Nhiều đại biểu đề nghị giữ ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô

Các đại biểu đề nghị không bãi bỏ 2 ngành, nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì lý do nhân đạo và để điều trị một số bệnh hiểm nghèo.
Nhiều đại biểu đề nghị giữ ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 17/11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; việc hợp nhất các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…

Không hợp nhất các ngành, nghề kinh doanh đang hoạt động bình thường

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư nhằm bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh không cần thiết phải có điều kiện kinh doanh; tuy nhiên cần thống nhất trên mặt nguyên tắc.

Thảo luận cụ thể về việc hợp nhất các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là: Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; kinh doanh dịch vụ tiêm chủng; kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ vào ngành nghề Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng các ngành, nghề kinh doanh này có tính đặc thù riêng, khi kinh doanh các dịch vụ này đòi hỏi phải có giấy phép cho từng loại hình kinh doanh dịch vụ.

Nếu hợp nhất các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ nói trên vào trong kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc và việc không còn tên gọi các ngành, nghề này trong Danh mục có thể dẫn đến hiểu nhầm là điều kiện kinh doanh của các ngành, nghề này được bãi bỏ. Do đó, để tránh xáo trộn, các đại biểu đề nghị không hợp nhất các ngành, nghề này.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) mặc dù cơ quan soạn thảo có nêu yêu cầu xây dựng Luật là để tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cũng như Cơ quan soạn thảo nhà nước.

Tuy nhiên việc hợp nhất các ngành, nghề doanh nghiệp đang hoạt động bình thường sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Cảnh nêu ví dụ, dự thảo Luật quy định sẽ hợp nhất các ngành nghề trên trong lĩnh vực y tế vào ngành kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Vấn đề này cần xem lại các ngành nghề đó có quy định điều kiện kinh doanh giống nhau hay không? Nếu không giống nhau thì khi nhập lại sẽ có trường hợp, cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh một ngành, nghề sẽ phải bổ sung hồ sơ, thủ tục, điều kiện kinh doanh để đáp ứng yêu cầu của các ngành, nghề còn lại mà mình không hoạt động.

Còn nếu Luật chỉ hợp nhất về mặt từ ngữ trong danh mục và khi triển khai vẫn tách ra thành các ngành, nghề thì có cần hợp nhất lại hay không? Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu không có lợi cho doanh nghiệp thì cần giữ nguyên các ngành, nghề mà việc hợp nhất không tạo thuận lợi gì cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) cho rằng không nên hợp nhất các ngành, nghề đó lại. Bởi dịch vụ này không phù hợp với khái niệm khám bệnh, chữa bệnh được định nghĩa trong Luật khám bệnh, chữa bệnh và có thể ảnh hưởng đến chính sách như: bảo hiểm y tế, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên các ngành, nghề đó như trong danh mục hiện hành.

Giữ lại ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô

Cho ý kiến về ngành, nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các đại biểu đề nghị không bãi bỏ hai ngành, nghề này vì Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác không có quy định cấm kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô.

Trên thực tế dịch vụ kinh doanh này đang thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ mô của người có yêu cầu lưu giữ để họ sử dụng khi cần thiết bảo đảm chất lượng.

Đối với kinh doanh dịch vụ kỹ thuật mang thai hộ, Luật hôn nhân và gia đình cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và để làm được điều này thì phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật mang thai hộ và phải trả tiền cho dịch vụ đó.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt không đồng tình với việc bãi bỏ hai ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, với lý do Cơ quan soạn thảo đưa ra là các hoạt động này không mang mục đích kinh doanh. Theo đại biểu, lý do này không thuyết phục và không phù hợp với thực tế.

Theo đại biểu Nguyệt, y học tái tạo đang phát triển và sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong tương lai. Kỹ thuật này sử dụng công nghệ và những trang thiết bị, máy móc hàng đầu trên thế giới.

Mục đích của việc sử dụng mô hay y học tái tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội, mong muốn được áp dụng tiến bộ mới nhất về tế bào gốc, mô, để nhằm điều trị một số bệnh hiểm nghèo và phức tạp.

Trong lưu trữ mô của cơ thể có chứa tế bào gốc và nó sẽ là lựa chọn tin cậy cho nhiều gia đình muốn lưu trữ tế bào gốc cho con như một loại bảo hiểm sinh học cho tương lai của con em mình.

Bên cạnh đó, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có nêu nguyên tắc việc lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người không nhằm mục đích thương mại, mà không cấm dịch vụ kinh doanh ngân hàng mô. Cho nên ở đây cần phân biệt hai khía cạnh là Luật cấm kinh doanh mô hay Luật cấm kinh doanh dịch vụ kỹ thuật có liên quan tới sàng lọc, thu thập, xử lý và lưu trữ mô.

Theo đại biểu, Luật chỉ cấm coi các mô, cơ quan bộ phận cơ thể người là đối tượng để kinh doanh, mua bán, trao đổi từ người này sang người khác. Điều này là đúng. Còn Luật không nên cấm kinh doanh các dịch vụ được sử dụng thu thập, xử lý và lưu trữ mô để phục vụ cho nhu cầu sử dụng sau này.

Bởi, thực tế hiện nay dịch vụ kinh doanh này đang tồn tại và ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu được lưu trữ mô, tế bào gốc của người dân. Hiện có rất nhiều cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp dịch vụ này.

Ngành kinh doanh dịch vụ này cần phải quy định điều kiện. Do đó, đại biểu đề nghị giữ lại ngành kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô là ngành kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Còn về kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, đại biểu Nguyệt cho rằng Luật này cần cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bởi điều này đã được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ trong Luật hôn nhân và gia đình.

Việc mang thai hộ thì phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ và đương nhiên phải trả chi phí. Do đó, đại biểu đề nghị giữ lại ngành này là ngành kinh doanh có điều kiện, để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ này hoàn thiện, nâng cao trang thiết bị, trình độ nhân lực để phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân.

Tuy nhiên để phù hợp với thực tế và các quy định trong Luật hôn nhân và gia đình, đề nghị Ban soạn thảo thay đổi tên của ngành này là kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Đồng tình quan điểm, đại biểu Dương Tuấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị không bãi bỏ đối với hai ngành, nghề trên.

Đại biểu phân tích, mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn bệnh nhân cần được ghép tạng, tuy nhiên người được ghép rất ít tạng. Một người chết lão hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác.

Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép mô, ghép tạng phức tạp như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Huế...

Tuy nhiên, sau 24 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992, đến nay, Việt Nam mới thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 12 ca ghép tim, 1 ca ghép tủy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.

Số lượng bệnh nhân muốn được điều trị là rất lớn và người hiến tạng lại rất hiếm. Ngoài ra, hiện nay nước ta chưa thành lập được ngân hàng mô trung ương do chưa đủ điều kiện tổ chức giám sát, hoạt động.

Mới chỉ có một ngân hàng mô do tư nhân quản lý. Vì thế khuyến khích hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô tư nhân là phù hợp với chủ trương xã hội hóa thực tế và đối với nghiên cứu khoa học.

Đối với kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, đại biểu Quân cũng đề nghị giữ lại. Theo đại biểu, hiện nay tỷ lệ vô sinh khá cao. Theo nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỷ lệ vô sinh cả nước khoảng 7,7%.

Như vậy nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất lớn. Do đó, việc khuyến khích thành lập các cơ sở y tế tư nhân là rất cần thiết và phù hợp với việc xã hội hóa.

Tuy nhiên để đảm tốt, các cơ sở y tế tư nhân cần phải có các quy định chặt chẽ, chi tiết về điều kiện kinh doanh; về điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn, kỹ thuật; cũng như việc kiểm tra, giám sát tránh tình trạng thụ tinh mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo.

Theo chương trình, sáng 18/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục