Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng qua

Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, ngoại hối tăng cao, đồng tiền Việt Nam có giá trị, các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua.
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng qua ảnh 1Cảng Tân Cảng-Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Trong 9 tháng năm 2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới nhưng nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, ngoại hối tăng cao, đồng tiền Việt Nam có giá trị, các chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, từng bước phát triển vững chắc là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay.

Với kết quả này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, mục tiêu GDP tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 chắn chắn sẽ đạt được và dự báo GDP cả năm 2015 sẽ tăng trên 6,5%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.

Sản xuất phục hồi rõ nét

Nhận định về tình hình kinh tế 9 tháng qua, tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá động lực tăng trưởng chủ yếu là do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Cùng với đó là sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu cũng được cải thiện đáng kể nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở mức thấp.

Trong 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước và có xu hướng tăng nhanh sau từng quý.

Với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, điểm nhấn rõ nhất trong bức tranh kinh tế 9 tháng là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây.

So với tháng trước, lạm phát cơ bản tháng 9 năm nay tăng 0,06% và tăng 1,87% so với cùng kỳ; tính chung 9 tháng so cùng kỳ tăng 2,15%. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay so với cùng kỳ sau khi loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn (tăng 9,1%), cho thấy sức mua và tổng cầu tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Xu hướng kinh doanh của khu vực doanh nghiệp cũng phản ánh những tín hiệu tích cực. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy cộng đồng doanh nghiệp rất tự tin trong sản xuất kinh doanh.

Niềm tin này được thể hiện qua đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, trong 9 tháng, có 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số vốn đăng ký, cùng số lượng các doanh nghiệp ngừng giải thể quay trở lại hoạt động cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt doanh nghiệp giải thể giảm so với năm ngoái. Điều này cũng chứng tỏ nguồn vốn tín dụng tăng trưởng đã tạo động lực thực sự cho sản xuất khối doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/9, tăng trưởng tín dụng đạt 10,78% so với cuối năm 2014, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Hướng, Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định GDP 9 tháng năm 2015 tăng không thể không kể đến sự đóng góp không nhỏ của việc cung ứng vốn tín dụng với khối lượng lớn, lãi suất thấp... giúp các doanh nghiệp làm ăn tốt có cơ hội gia tăng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn tạo điều kiện cho kinh tế trong nước có đà tăng trưởng. Tính đến hết tháng Chín, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 120 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ và chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các chỉ số khác của nền kinh tế trong 9 tháng qua cũng có nhiều tín hiệu khả quan như vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,9% GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 17,16 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014, cùng với việc tăng cao của số dự án cấp mới và tăng vốn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có những dấu hiệu cải thiện đáng kể làm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn đang gặp một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới. Sự suy giảm của một số nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ... Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn hạn chế. Các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh tuy đã được hoàn thiện nhưng triển khai còn chậm. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu....

Điều hành chủ động, linh hoạt

Mặc dù bức tranh kinh tế 9 tháng còn có những điểm tối nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo trong những tháng cuối năm kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trước hết, Việt Nam cần chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Đặc biệt, điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và trong nước để thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đi đôi với việc bảo đảm ổn định thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng hợp lý, hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro cao. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, đặc biệt diễn biến giá dầu để có những giải pháp, đối sách một cách chủ động, kịp thời, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực.

Việc hạ trần lãi suất huy động USD mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng được xem là yếu tố tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh cuối năm. Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Hướng nhận định từ quyết định này, hệ thống ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn để cho vay và doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh quý cuối năm.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức tăng GDP 9 tháng qua chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tập trung ở khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn đóng góp của doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn thấp. Thống nhất quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn…

Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Hướng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam phải cải tiến tình hình quản trị, liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành để tăng cường tính chuyên môn hóa trong những dây chuyền sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi chuyên môn hóa sản xuất theo một công đoạn nào đó trong một dây chuyền sản xuất sẽ cho phép tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động... từ đó mới có khả năng cạnh tranh và cạnh tranh bền vững. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, cần thực hiện những giải pháp hiệu quả trong nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh toàn cầu để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Lê Đăng Doanh, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 do Chính phủ đề ra, các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp cần bám sát vào các mục tiêu của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tạo thuận lợi thương mại.

Mặt khác, ông Sử Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cần chia sẻ thông tin với các tỉnh, thành phố sau khi đàm phán với quốc tế về các hiệp định thương mại tự do nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục