Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp

Việc Việt Nam tham gia hội chợ là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp ảnh 1Người đẹp "Hoa quả" đến từ các khu trưng bày xung quanh giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Gần 30 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và xuất khẩu nông sản, thực phẩm với sáu ngành hàng gồm gạo và các sản phẩm từ gạo, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, mật ong và dừa trái, đã tham gia Hội chợ Công nghiệp thực phẩm quốc tế Paris (SIAL Paris 2016), khai mạc ngày 16/10 tại Trung tâm Triển lãm Paris Nord Villepinte, phía Bắc thủ đô Paris.

Đây là hoạt động nhằm xúc tiến thương mại quốc gia, được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, phối hợp với Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) thực hiện.

Tham dự lễ khai trương Khu gian hàng Việt Nam, có tổng diện tích 250m2, có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và đông đảo du khách quốc tế.

Việc Việt Nam tham gia hội chợ là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là tại thị trường châu Âu, với mục tiêu chính là xây dựng và quảng bá một hình ảnh chung, thống nhất cho ngành thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu hàng thực phẩm Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ hài lòng khi đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ đông hơn lần trước, với các sản phẩm phong phú, sáng tạo, đổi mới mẫu mã, áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, ngày càng phù hợp hơn với xu hướng thị trường và thị hiếu khách hàng quốc tế.

Đại sứ nhấn mạnh, hội chợ là cửa ngõ quan trọng để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Pháp, cũng như thị trường châu Âu và các nước có gian hàng tại hội chợ.

Châu Âu là một trong những "thị trường khó tính nhất thế giới," đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao, chính vì vậy, việc tham gia hội chợ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn thị trường nước ngoài, nỗ lực hơn nữa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (tên giao dịch là Westfood) cho biết công ty của ông mang đến hội chợ hai mảng sản phẩm chính là trái cây đông lạnh và hoa quả đóng hộp, trong đó xoài là mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng 70% sản phẩm hoa quả đông lạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, các sản phẩm hoa quả xuất khẩu như xoài, dứa, đu đủ, ổi… luôn phải cạnh tranh với hàng của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Để xây dựng uy tín, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, Công ty cổ phần Westfood đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến, trong đó có xử lý phương pháp đông lạnh IQF, giúp sản phẩm đóng băng nhanh, bảo quản được lâu hơn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.

Ông Stéphane Horvil, đại diện công ty Distri Plus, một doanh nghiệp Pháp cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và tìm thị trường mới trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm cho biết Distri Plus đã làm việc với doanh nghiệp Westfood 12 năm qua, doanh nghiệp này đang trên đà phát triển mạnh ra thị trường quốc tế.

Ngoài Westfood, công ty Distri Plus còn có quan hệ với khoảng 40 doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, giúp các doanh nghiệp này tìm được đối tác phù hợp tại Pháp và châu Âu.

Về năng lực xuất khẩu, ông đánh giá cao triển vọng của các doanh nghiệp Việt Nam, dù xuất phát có phần chậm hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn rất tốt trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm, tạo dựng được uy tín và thương hiệu, hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước láng giềng.

Ông bày tỏ hài lòng khi đầu tư thành công tại Việt Nam, với số lượng xuất khẩu trung bình 100 container mỗi tháng, đạt doanh số khoảng 80 triệu USD mỗi năm.

Ông cho rằng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và tiếp tục nâng cao doanh số xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm.

SIAL Paris được tổ chức hai năm một lần, là hội chợ lớn nhất và uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Với tổng diện tích mặt bằng 250.000m², năm nay hội chợ thu hút khoảng 7.000 doanh nghiệp đến từ hơn 100 nước, đón hơn 155.000 lượt khách tham quan.

Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ cơ hội để quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp quốc tế cũng không bỏ lỡ sự kiện dành cho các nhà sản xuất và xuất khẩu chuyên nghiệp này.

Năm nay, các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh được chọn là "khách mời danh dự" vì đây là đối tác lớn nhất của châu Âu trong lĩnh vực thực phẩm.

Theo ông Nicolas Trentesaux, Giám đốc Hội chợ SIAL Paris 2016, 70-75% các trao đổi thương mại về thực phẩm của châu Âu là nội khối.

Ngoài châu Âu, khu vực Mỹ La tinh là đối tác lớn nhất của châu Âu với lượng hàng hóa chiếm 12-15% giá trị trao đổi mậu dịch.

Đối với Pháp, công nghiệp thực phẩm là ngành trụ cột của nền kinh tế với doanh thu hàng năm lên đến 170 tỷ euro./.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp ảnh 2Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn tham quan gian trưng bày của công ty xuất khẩu hạt điều Long Sơn. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp ảnh 3Các doanh nghiệp Pháp làm việc với lãnh đạo công ty xuất khẩu hoa quả Miền Tây tại hội chợ. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp ảnh 4Lễ khai trương Khu gian hàng Việt Nam đã diễn ra sáng ngày 16/10. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất ở Pháp ảnh 5Một góc khu trưng bày của các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục