"Nhiều em gái vẫn khó tiếp cận giáo dục THCS"

LHQ nhận định, tiếp cận giáo dục THCS vẫn là một thách thức đối với trẻ em gái, đặc biệt là ở một số khu vực của châu Phi và châu Á.
Các chuyên gia Liên hợp quốc nhận định, tiếp cận giáo dục trung học cơ sở vẫn là một thách thức đối với trẻ em gái, đặc biệt là ở một số khu vực của châu Phi và châu Á.

Ngày 5/3, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa cho ra mắt tập biểu đồ bao gồm trên 120 bản đồ, đồ thị và biểu bảng minh họa mức độ thay đổi của bất bình đẳng giới trong giáo dục kể từ năm 1970 và các yếu tố như tiềm lực tài chính, vị trí địa lý, mức độ đầu tư cho giáo dục và lĩnh vực nghiên cứu của một quốc gia ảnh hưởng như thế nào đến sự bất bình đẳng này.

Cuốn biểu đồ này cho thấy trẻ em gái trên khắp thế giới đã được hưởng lợi từ những nỗ lực phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt là kể từ năm 1990, với khoảng 70% số nước trên thế giới đã đạt được sự bình đẳng giới trong giáo dục tiểu học.

Tuy nhiên, tiếp cận giáo dục trung học cơ sở vẫn là một thách thức đối với trẻ em gái ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Phi vùng Nam sa mạc Sahara, Nam Á và Tây Á.

Cuốn biểu đồ cũng phản ánh các mô hình giáo dục bằng những dữ liệu cụ thể như số năm đến trường (SLE), trong đó số năm trung bình được đi học của một bé trai hoặc một bé gái có thể được nhận. Ví dụ, tại các quốc gia Arập, một bé gái thường chỉ có 10 năm đến trường, trong khi của một bé trai ít nhất là 11 năm.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết tập biểu đồ này là một lời kêu gọi hành động. Sự tăng trưởng trong số lượng trẻ em gái tại cấp tiểu học là minh chứng rõ ràng cho ý chí chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục cho mọi người. Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể tiếp cận được số lượng lớn trẻ em gái và phụ nữ dễ bị tổn thương, những người mà quyền đi học của họ tiếp tục bị từ chối.

Bà khẳng định cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự phân biệt đối xử này và tập trung hành động hướng vào những người khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, ông Hendrik van der Pol, Giám đốc Viện Thống kê của UNESCO, cho rằng những số liệu này phản ánh cam kết của chính phủ và cộng đồng quốc tế trong việc thu hẹp khoảng cách về giới trong giáo dục, nhưng vẫn còn một sự khác biệt lớn giữa bình quân giới và bình đẳng giới.

Tập biểu đồ cũng cho thấy rằng khả năng tiếp cận giáo dục cũng không có nghĩa là phụ nữ có cơ hội tốt hơn về việc làm và thu nhập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục