Nhiều gia đình ở thủ đô Hà Nội tìm lại hương vị Tết truyền thống

Nhiều gia đình người Hà Nội đang tìm lại “Hương vị” Tết xưa với những nếp sinh hoạt truyền thống, nét ăn, nét ở đầy văn hóa và tinh túy của người Tràng An xưa.
Nhiều gia đình ở thủ đô Hà Nội tìm lại hương vị Tết truyền thống ảnh 1Đôi bạn trẻ du Xuân tại chợ hoa Hàng Lược. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

“Hương vị” Tết xưa với những nếp sinh hoạt truyền thống, nét ăn, nét ở đầy văn hóa và tinh túy của người Tràng An xưa tưởng đã “vắng bóng” bởi nhịp sống hối hả, thì nay, nhiều gia đình người Hà Nội đang tìm lại. Thú vị hơn, “hương vị” đó được đông đảo người trẻ quan tâm.

Nhiều năm nay, bà Ngô Hoàng Lam, người con gái Hà thành tháo vát, đảm đang năm xưa nay đã gần sang tuổi 80 vẫn giữ nếp đánh thức con, cháu trong nhà dậy sớm cùng bà rảo bước từ căn nhà nhỏ ở dốc Hàng Than ra chợ Châu Long sắm sửa “cái ăn, cái để” cho ba ngày Tết. Mái đầu bà đã bạc trắng, khuôn mặt đã in hằn dấu vết thời gian nhưng hình như, cứ kể con cháu nghe chuyện Tết xưa là ánh mắt già nua lại bừng sáng.

Trong những chiếc làn mà bà Ngô Hoàng Lam cùng con, cháu xách về sau buổi chợ, có đủ thứ, nào là cây giò lụa, giò tai, giò bò, đôi gà sống, rau sống, bắp cải, su hào, nắm lá mùi già xanh sẫm nhỏ li ti, quả như hạt tiêu xanh và hoa cánh trắng, để cả nhà tắm tẩy trần đón giao thừa. Và đặc biệt, trong làn bao giờ cũng phải có bó hoa thược dược, lay ơn đỏ, hoa bướm, viôlét đem về cắm bình gốm trong nhà.

Bà Lam vẫn thường thủ thỉ với con cháu: Lá mùi rẻ, dùng được vài bận, rửa mặt bằng lá mùi thì mịn và thơm da. Tắm gội bằng lá mùi thì cơ thể thanh thản, trong sáng.

“Hương thơm của Tết chính là nồi nước lá mùi chiều cuối năm. Tắm lá mùi chiều 30 là nghi lễ văn hoá tinh thần. Mùi hương lá mùi sẽ xoá đi tất cả những bụi bặm, những lo toan mệt mỏi của năm cũ để đón năm mới tốt lành hơn,” bà Lam bảo.

Đi bên bà nội, Trần Ngọc Diệp, 24 tuổi, thích thú nghe những câu chuyện Tết xưa đầy hoài niệm của bà. Diệp là một trong nhiều bạn trẻ 9x người Hà thành lắng nghe, cảm nhận và muốn tìm lại “hương vị” Tết cổ truyền.

Định nghĩa về sức hấp dẫn của việc đi chợ ngày 30 Tết cùng người thân, Diệp thổ lộ, nhờ có Tết mà mỗi người dù ở đâu cũng phải trở về với gia đình, tuân theo những tục lệ thiêng liêng, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, với cha mẹ, và người thân ruột thịt. Những việc như đi chợ ngày 30 Tết cùng bà, cùng mẹ, thủa bé tưởng như rườm rà, nhưng khi lớn lên mới hiểu, đó là nếp nhà, gia phong, những giá trị góp phần tạo nên đạo làm người.

Sáng ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ này, quãng đường từ căn nhà ở Ngã Tư Vọng tới chợ Nguyễn An Ninh của chị Trần Phương Nga, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn ATP (Cầu Giấy, Hà Nội), không đủ dài để chị nghe trọn câu chuyện "muôn năm cũ" của mẹ.

Sớm ngày 30 Tết nào cũng vậy, bà giáo già của trường Tiểu học Tân Định vừa đi vừa chỉ ra cho cô con gái những ý nghĩa nhân văn trong mâm ngũ quả cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ ngày Tết: Mâm ngũ quả ngày tết là truyền tải thông điệp, ước vọng của mỗi gia đình bước sang năm mới được no đủ nên phải gồm chuối, cái nền cho mâm ngũ quả như bàn tay che chở, nâng niu; bưởi, căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; quýt, tượng trưng cho sự thành đạt.

Bộc bạch về việc đi chợ sáng 30 Tết, chị Trần Phương Nga bảo ăn Tết đâu chỉ là ăn, gói gọn trong vài ngày Tết. Cái đặc trưng, cái thú của Tết là ở không khí chuẩn bị, phải tự sửa soạn, chăm chút cho mâm cỗ Tết mới có được hương vị Tết. Những giá trị truyền thống cần phải được trân trọng.

Nhà của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Danh Lâm, Phạm Vân Anh nằm sâu trong con ngõ nhỏ số 457 Bạch Mai. Sáng nay, Lâm và Vân Anh đưa Mít, bé gái 4 tuổi của họ đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Với đôi uyên ương thế hệ 8x này, đi chợ hoa Tết là thú vui tao nhã. Trong suy nghĩ của Danh Lâm, đến chợ hoa, vừa được thỏa thích ngắm hoa, cây cảnh của những làng hoa nổi tiếng như Tứ Liên, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân…; lại ngắm “bông hoa nhỏ” tung tăng nô đùa trong chợ hoa là vui nhất.

Lâm thổ lộ, người Hà Nội đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Đó như thú vui tao nhã đồng thời, cũng là nhớ lại những ký ức tuổi thơ về chợ hoa, lúc còn nhỏ theo mẹ, theo ông bà tung tăng nô đùa, xem và chơi chợ.

“Được đi chợ sắm đào quất chơi Tết là niềm vui của mỗi đứa trẻ mỗi độ Tết đến Xuân về,” Lâm nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục