Nhiều hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang

Chiều 18/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập” tại chính ngôi nhà này.
Nhiều hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang ảnh 1Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Chiều 18/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập” tại chính ngôi nhà này.

Đặc biệt chủ nhân cũ của ngôi nhà, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và các con cháu trong gia đình cũng có mặt tham gia sự kiện quan trọng này.

Trưng bày chuyên đề gồm 80 hình ảnh, hiện vật được trưng bày theo ba chủ đề chính là ngôi nhà 48 Hàng Ngang và gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ; bối cảnh lịch sử và sự ra đời bản Tuyên ngôn độc lập; ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập chào mừng kỷ niệm 70 năm Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập.

Hoạt động này nhằm giới thiệu đến công chúng những thông tin về sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang đến đông đảo nhân dân.

Thông qua các hình ảnh: “Chiếc giường, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nghỉ ngơi tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy đơn vị OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), một trong những phái bộ đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại 48 Hàng Ngang và là người nước ngoài đầu tiên được đọc bản Tuyên ngôn độc lập khi chưa công bố.”

Tại đây cũng trưng bày “Danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Ban thường vụ Trung ương Đảng thông qua tại 48 Hàng Ngang”… nhằm giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị lịch sử của ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

Các bức ảnh “Chân dung vợ chồng chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ”; “doanh nhân Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng và nhà tư sản Nguyễn Hữu Tiệp cổ vũ nhân dân Thủ đô trong Tuần lễ vàng tháng 9/1945”; “phố Hàng Ngang, nơi gia đình ông bà Trịnh Văn Bô có hai cửa hiệu kinh doanh tơ lụa số 7 và số 48 đầu thế kỷ XX”… cho thấy tài năng, đức độ của chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

Ngay sau lễ khai mạc, nhiều người dân đã được giao lưu, chụp ảnh với cụ Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân yêu nước hết lòng ủng hộ cách mạng, chăm lo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại gia đình.

Triển lãm mở cửa các ngày trong tuần phục vụ khách tham quan (trừ thứ Hai)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục