Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước vụ mùa

Lượng nước hiện có cơ bản chỉ đảm bảo ưu tiên phục vụ sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, cho cây trồng lâu năm và phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm khác.
Nhiều hồ chứa nước ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt, gây khó khăn cho sản xuất vụ mùa 2019. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Nhiều hồ chứa nước ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt, gây khó khăn cho sản xuất vụ mùa 2019. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trước nguy cơ thiếu nước tưới sản xuất vụ mùa tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương đưa ra nhiều phương án sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước ở các hồ chứa hiện nay, tránh tình trạng sản xuất đại trà dẫn đến thiệt hại sản xuất.

Theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 17/9, lượng nước tích được tại 21 hồ chứa do công ty quản lý chỉ đạt 97,35/194,49 triệu m3, đạt khoảng 50% dung tích thiết kế; trong đó lượng nước hồ Sông Sắt chiếm đến gần 53 triệu m3 tổng lượng nước hiện tại (hơn 97 triệu m3). Trong khi 20 hồ còn lại lượng nước đang sắp cạn kiệt. Riêng hồ Đơn Dương, mực nước hiện chỉ còn 37,73/165 triệu m3, đạt hơn 22% dung tích thiết kế.

Lượng nước hiện có cơ bản chỉ đảm bảo ưu tiên phục vụ sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, cho cây trồng lâu năm và phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm khác với nhu cầu từ nay đến cuối năm 2019 trên 17 triệu m3 nước. Trong đó, nước sinh hoạt 6,9 triệu m3; nước cho chăn nuôi hơn 2 triệu m3; nước tưới cho cây trồng lâu năm và nước phục vụ cho ngành kinh tế khác khoảng 8 triệu m3.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết với tỉnh Ninh Thuận, khó khăn lớn nhất vẫn là bài toán về nguồn nước tưới. Lượng nước còn lại như trên đặt ra cho Ninh Thuận bài toán cần giải quyết gấp đó là phải có phương án sản xuất thật cụ thể, chi tiết và giao cho từng địa phương để ứng phó với tình hình thiếu nước một cách có hiệu quả.

[Các hồ chứa của Quảng Trị xuống mực nước chết, nhiều sông cạn trơ đáy]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam, ông Diệp Minh Xuân cho rằng do thiếu nước nên từ đầu năm đến nay nhiều địa phương trong huyện phải ngưng sản xuất với diện tích khoảng 800ha. Nếu từ nay đến hết tháng Chín không mưa, địa phương lại phải ngưng sản xuất tiếp, rất khó khăn cho nông dân. Vụ mùa tới đây nếu tính phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng (trồng rau màu, cây lâu năm) cũng gặp khó do không có nguồn nước để đáp ứng tưới.

Ông Diệp Minh Xuân cho biết trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam cũng đã làm việc với nhiều địa phương và nông dân cũng không mặn mà sản xuất vụ mùa, bởi thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh cây trồng hay xảy ra nên sản xuất sẽ gặp khó khăn. Do đó, nông dân ở một số địa phương trong huyện thống nhất không sản xuất lúa cũng như cây trồng vụ mùa, mà chờ đến vụ Đông Xuân 2019-2020 mới gieo cấy và sản xuất.

Không chỉ huyện Thuận Nam, ngay huyện Ninh Phước cũng đang tính đến phương án ngưng sản xuất vụ mùa vì hiệu quả mang lại không cao. Một mặt là do thời tiết mùa vụ tác động, mặt khác lo ngại giữa thời điểm sản xuất lại thiếu nước tưới.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Phước, đánh giá Ninh Phước là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thế nhưng do không đủ nguồn nước tưới nên vụ Mùa tới gần 1/3 diện tích phải ngưng sản xuất. Hơn nữa vụ Hè Thu đang thu hoạch năng suất lúa cũng không đạt do nhiều yếu tố tác động; trong đó có tình trạng lúa lai pha lẫn lúa thịt (lúa ma). Vì lẽ đó Ủy ban Nhân dân huyện khuyến cáo nông dân ngưng sản xuất vụ mùa, tiến hành cày ải nghỉ đất để chờ vụ Đông Xuân đảm bảo nước tưới, thời vụ gieo cấy và hiệu quả sản xuất.

Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu nước vụ mùa ảnh 1Thiếu nước tưới, nhiều diện tích đất ở huyện Thuận Nam phải ngưng sản xuất. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam lưu ý chính quyền các địa phương cần có đánh giá đúng thực tiễn, phải tính toán kỹ nếu cho dừng sản xuất vụ mùa vì liên quan đến đảm bảo lương thực cho người dân, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Trên cơ sở đề xuất của ngành nông nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất xuất sản xuất vụ mùa theo phương án hai, đó là nếu từ nay đến hết tháng Chín trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa đạt trên 50% dung tích thiết kế; đồng thời lượng nước của hồ Đơn Dương đạt khoảng 50 triệu m3 thì sẽ thực hiện kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới gồm 18/21 hồ chứa (trừ khu vực hồ Ông Kinh, hồ CK 7 và hồ Ma Trai).

Theo phương án đó, vụ mùa 2019 này toàn tỉnh gieo trồng hơn 21.600ha; trong đó lúa hơn 11.700ha, còn lại là các loại hoa màu khác… tập trung thực hiện ở khu tưới hệ thống Sông Pha, vùng đầu kênh Nam, kênh Bắc của đập Nha Trinh và toàn bộ khu tưới đập Lâm Cấm cùng một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do địa phương quản lý.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết căn cứ lượng nước ở các hồ chứa, các địa phương cần khẩn trương gieo cấy vụ mùa và phải hoàn thành trước ngày 30/9, tránh tình trạng gieo cấy kiểu “da beo." Đối với các địa phương khó khăn nguồn nước tưới, cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, không để xảy ra tình trạng gieo cấy ngoài kế hoạch như các vụ trước đây, không đảm bảo nước tưới đến cuối vụ, gây thiệt hại cho sản xuất.

Ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi chặt chẽ lượng mưa, quản lý lượng nước ở các hồ chứa nghiêm ngặt để đảm bảo nước cho cả sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước cho tỉnh từ nay đến cuối năm 2019 phù hợp theo từng thời điểm, vừa đảm bảo sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục