Nhiều học sinh có nguy cơ bị cong vẹo cột sống

Theo thống kê của chương trình y tế học đường tại Hà Nội, có khoảng 19% học sinh có dấu hiệu cong vẹo cột sống (nam 19%, nữ 18%)

Vừa qua hàng trăm trẻ em, học sinh đã đến Khoa Cột sống - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để được khám, tư vấn về cột sống.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Thạch (Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình-BV Việt Đức), nhiều trẻ mắc bệnh cong vẹo cột sống tới 50 độ, thậm chí là 80 độ, đi kèm các bệnh lệch tim, thiếu thận… đã được phát hiện.

Theo thống kê của chương trình y tế học đường tại Hà Nội, có khoảng 19% học sinh có dấu hiệu cong vẹo cột sống (nam 19%, nữ 18%). Học sinh trung học cơ sở có tỷ lệ bị bệnh cong vẹo cột sống cao nhất (22%), tiểu học 17%, phổ thông trung học 18%.

Hè nào Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận gần trăm bệnh nhi, hầu hết khi đến đã ở mức độ nặng do không có thông tin về bệnh và không biết nơi điều trị. Việc điều trị muộn sẽ dẫn đến các biến chứng không thể xử lý được.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngoài giờ học các em thích xem tivi, chơi máy tính, ít tham gia vui chơi giải trí, hoạt động cơ bắp thể dục, thể thao… khiến thần kinh căng thẳng, quá tải cho hệ cơ xương kéo dài dẫn tới cong vẹo cột sống.

Ông Thạch cho hay, để nhận biết trẻ có bị cong vẹo cột sống hay không, các bậc phụ huynh cần theo dõi tư thế ngồi của trẻ. Nếu thấy trẻ hay ngồi lệch sang một bên, phần lưng không thẳng khi đi hoặc đứng thì rất có nguy cơ bị cong vẹo cột sống. Các bậc phụ huynh cũng có thể quan sát kỹ cột sống ở giữa lưng - nơi không bị các khối cơ che lấp, hoặc dùng tay miết dọc sống lưng của trẻ xem các đốt sống có nằm thẳng hay không (nếu thẳng thì trẻ bình thường và ngược lại).

Một cách khá đơn giản để phát hiện trẻ bị cong vẹo cột sống sớm là phụ huynh cần quan sát sự cân bằng hai vai khi trẻ tắm. Để trẻ cúi lưng xuống, nếu trẻ bị cong vẹo cột sống thì bả vai bên trái thường thấp hơn bên phải, hoặc nhìn từ phía sau thấy cột sống của trẻ không thẳng, hoặc có dấu hiệu vẹo sang một bên thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay để sớm được chẩn đoán, tư vấn điều trị kịp thời.

Bệnh cong vẹo cột sống thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì (10-17 tuổi ở trẻ gái, 12- 18 tuổi ở các trẻ trai)./.

Đức Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục