Tổng thống Pháp tham vấn lãnh đạo các đảng phái về Brexit

Nhiều lãnh đạo Pháp mong Anh rời khỏi EU "sớm nhất có thể"

Các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị khác của Pháp cho thấy quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của các đảng phái liên quan đến việc nước Anh rời EU.
Nhiều lãnh đạo Pháp mong Anh rời khỏi EU "sớm nhất có thể" ảnh 1Tổng thống Pháp tham vấn lãnh đạo các đảng phái về Brexit. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong ngày 25/6, tại điện Elysée, Tổng thống Pháp François Hollande đã gặp lãnh đạo các đảng phái chính trị có đại diện trong Quốc hội nhằm tìm hiểu quan điểm các đảng này trước việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) để Pháp có đối sách phù hợp trong tương lai.

Cùng quan điểm với Chính phủ Pháp là mong muốn Anh ra đi “sớm nhất có thể,” Bí thư thứ nhất đảng Xã hội cầm quyền (PS) Jean-Christophe Cambadélis cho rằng “không nên trì hoãn việc ở lại” và “giờ đây không phải là lúc nước Anh thiết lập chương trình nghị sự cho châu Âu.” Theo ông, cần phải tôn trọng quyết định của người dân Anh.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” (LR), cho rằng cần khẩn trương xem xét các đề nghị liên quan đến việc cải tổ EU. Điều này có thể thực hiện thông qua một hiệp ước liên chính phủ mới.

Ông nhấn mạnh: “Nước Pháp cần đề xuất ý tưởng này nhằm đặt nền tảng cho một Hiệp ước liên chính phủ mới để người dân châu Âu hiểu rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe."

Ông Sarkozy cũng nhấn mạnh châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, không phải là mối quan hệ với Anh mà là vấn đề xây dựng EU với 27 nước thành viên.

Trong khi đó, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), một lần nữa kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về việc Pháp ra khỏi EU.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, bà cam kết sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như Brexit nếu bà được bầu làm tổng thống tại cuộc bầu cử tháng 5/2017.

Các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị khác của Pháp cho thấy quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của các đảng phái liên quan đến việc nước Anh nói lời chia tay với EU. Điều quan trọng là các quan điểm được đưa ra vào thời điểm khi còn chưa đầy một năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022.

Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được công bố, Tổng thống Hollande đã có nhiều cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu và quốc tế. Ông kêu gọi một sự khởi đầu mới cho châu Âu sau "cú sốc" Brexit.

Trong cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sáng 25/6, ông tuyên bố Brexit là “câu hỏi đặt ra cho cả thế giới” và mong rằng “cuộc chia tay sẽ diễn ra suôn sẻ."

Tổng thống Pháp sẽ có mặt tại Berlin vào ngày 27/6 để tham dự cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong các ngày 28 và 29/6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục