Nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long

Được xem là vựa lúa của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long còn được biết đến với nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển khi có nguồn tài nguyên biển đa dạng phong phú, ngư trường lớn.
Nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Mô hình nuôi cá lồng bè trên biển đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân xã Hòn Thơm, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Được xem là vựa lúa của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long còn được biết đến với nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển khi có nguồn tài nguyên biển đa dạng phong phú, ngư trường lớn.

Tuy nhiên, còn nhiều thách thức đang đặt ra cho khu vực này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Bài 1: Nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển

Khai thác và chế biến hải sản là tiềm năng và cũng là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát huy thế mạnh này, thời gian qua các tỉnh thành trong khu vực đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế này.

Tiềm năng lớn

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất cực nam của Tổ quốc, có bờ biển dài hơn 700km, với khoảng 360.000km2 vùng biển chủ quyền Việt Nam. Vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long có hai đảo lớn Việt Nam là đảo Phú Quốc (589,23km2) và đảo Côn Sơn (76 km2) cùng với vài chục đảo nhỏ nằm trong vùng Biển Tây nối với Vịnh Thái Lan.

Vành đai ven biển tiếp giáp với Đồng bằng sông Cửu Long rất giàu nguồn lợi thủy sản và có tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, có 2 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang - với diện tích hơn 1,1 triệu ha được xem là khu dự trữ lớn nhất Đông Nam Á và Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau - có diện tích 371.506 ha.

Theo khảo sát của ngành Tài nguyên và môi trường, vùng biển và ven biển này có đến 260 loài cá được ghi nhận và rất nhiều loại nhuyễn thể, giáp xác sinh sống. Ngoài nguồn lợi sinh học, vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long còn có tiềm năng lớn trong vận tải biển, còn nhiều hứa hẹn với các tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đặc biệt là dầu khí.


Khai thác năng lượng gió, năng lượng sóng triều, năng lượng ánh sáng ở vùng biển cũng có nhiều tiềm năng.

Đồng bằng sông Cửu Long có vị thế quan trọng khi cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước hằng năm. Khu vực này có ưu thế, tiềm năng phát triển thủy sản với các sản phẩm chủ lực tôm, cá tra, nhuyễn thể…

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển. Hiện tại đây có 3/18 khu kinh tế ven biển nằm trong đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020” gồm khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau), khu kinh tế Định An (Trà Vinh) và khu kinh tế đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Các khu kinh tế này là động lực để các tỉnh ven biển tiến ra biển và có chiến lược phát triển cụ thể cho địa phương, vùng. Điển hình như tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, là cầu nối Đồng bằng sông Cửu Long với các nước trong khu vực và thế giới.

Do có đường bờ biển dài và nhiều đảo lớn nhỏ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn có tiềm năng phát triển du lịch biển, đặc biệt là đảo Phú Quốc.

Trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 hoàn thành cơ bản xây dựng Phú Quốc là trung tâm giao thương quốc tế, ngành du lịch trở thành mũi nhọn phát triển ở trình độ cao, trở thành trung tâm du lịch sinh thái đảo - biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế.

Từ đó, tạo sức bật mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành lực hút phát triển kinh tế quan trọng của đất nước.

Phát triển mạnh kinh tế biển

Theo ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, qua gần 5 năm thực hiện Chương trình số 367/CTr-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về phát triển kinh tế biển, tình hình kinh tế-xã hội vùng biển, ven biển, hải đảo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%/năm; tỷ trọng GDP kinh tế biển chiếm 75,6% GDP toàn tỉnh.

D u lịch, dịch vụ du lịch vùng ven biển hải đảo, du lịch biển có bước phát triển đáng kể, hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, trong đó các dự án du lịch chất lượng cao đã và đang được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác ở Phú Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế-xã hội ở Phú Quốc cũng như cả tỉnh.

Kiên Giang thu hút được 242 nhà đầu tư với tổng nguồn vốn 180.557 tỷ đồng; trong đó Phú Quốc 189 dự án (chiếm 77,7% toàn tỉnh), có 18 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, vốn đầu 1.281 tỷ đồng.

Ước tính năm 2015, Kiên Giang thu hút 4,2 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế đến Phú Quốc đạt 220 ngàn lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.905 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần năm 2010.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế biển; riêng giai đoạn 2011​-2015 đạt 111.000 tỷ đồng, bằng 80% vốn đầu tư toàn tỉnh, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 30%.

Hạ tầng giao thông, hệ thống cảng, sân bay, thủy lợi, điện… tiếp tục được đầu tư ở các địa phương ven biển và hải đảo như Dự án đường hành lang ven biển phía Nam, cầu Cái Bé và cầu Cái Lớn; đường trên đảo Phú Quốc; đường quanh các xã đảo; hệ thống cảng biển​ Bãi Vòng, An Thới, Thạnh Thới-Hà Tiên, Xẻo Nhàu, Vịnh Đầm và cảng hành khách quốc tế Dương Đông; cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; các công trình thoát lũ, dẫn ngọt, kênh tạo nguồn, hệ thống đê và cống ngăn mặn ven biển Tây.

Ngoài ra, hoàn thành và đưa vào khai thác đường điện cáp ngầm 110 KV Hà Tiên-Phú Quốc, đường điện trên cao từ đất liền ra xã đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải), góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia năm 2015 đạt 98,4%.

Tính đến tháng 7/2015, tỉnh đã thu hút gần 312 dự án ven biển, quy mô hơn 10.244 ha với tổng vốn đăng ký trên 138.189 tỷ đồng; trong đó, có 98 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Tương tự, với biển dài 56km và ngư trường rộng lớn, tỉnh Bạc Liêu có thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết​ trong chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu xác định thủy sản biển là ngành kinh tế mũi nhọn với nghề đánh bắt trên ngư trường.

Thế mạnh kinh tế nổi trội này đang được tỉnh đầu tư phát triển khai thác hiệu quả, bền vững. Hiện nay toàn tỉnh có 1.331 tàu cá, tổng công suất 182.189 CV​, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 526 chiếc với tổng công suất 162.246 CV; số thuyền viên là 7.209 người.

Theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoa, ngoài các nghề khai thác truyền thống, toàn tỉnh còn có 30 phương tiện công suất lớn tham gia thu mua vận chuyển trên biển.

Đây là điểm mới, là mô hình điển hình trong việc hỗ trợ khai thác biển, đang được nhân rộng để góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm sau khai thác, đồng thời lồng ghép vào hỗ trợ cho mô hình khai thác theo tổ, đội.

Để nâng cao hiệu quả của nghề khai thác thủy sản, những năm qua, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp như chỉ đạo tổ chức khai thác thủy sản theo hướng tập trung thành các tổ, đội khai thác theo các mối quan hệ theo dòng họ, theo địa phương, theo nghề nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 43 tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản với hơn 274 tàu cá, chiếm 24% tổng số tàu khai thác toàn tỉnh và trên 1.500 lao động.

Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông - lâm - ngư nghiệp sang ngư nông​-lâm​-nghiệp một cách hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực biển và ven biển rất nhanh, đóng góp lớn vào nguồn hàng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 478.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,29 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng về du lịch trung bình hàng năm đạt trên 23%.

Sự hình thành Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế vùng biển và ven biển của tỉnh.

GDP của vùng biển và ven biển chiếm trên 65% GDP toàn tỉnh, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Cà Mau.

Các cửa biển trọng điểm nghề cá Kinh Hội, sông Ông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Tàu, Rạch Gốc, Bồ Đề, Gành Hào… là nơi tập trung dân cư làm nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động nghề biển.

Tỉnh có đội tàu khai thác hải sản trên 4.600 chiếc, trong đó khoảng 1.500 chiếc có khả năng khai thác xa bờ, đứng thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Kiên Giang. Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 150.000 tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục