Mâu thuẫn trong việc bảo tồn Hoàng thành

Nhiều mâu thuẫn trong việc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

Những hiện vật phát lộ ngoài trời tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đang ở tình trạng bị đe dọa và cần có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp.
Nhiều mâu thuẫn trong việc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long ảnh 1Hố khai quật ngoài trời thuộc khu Hoàng thành Thăng Long có nguy cơ bị xâm hại bởi thời tiết (Nguồn: TTXVN)

Trong bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, các cơ quan chức năng cần xác định mục tiêu ưu tiên trước mắt song hành với việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu, quản lý dài hạn.

Nhiều vấn đề đã được các chuyên gia văn hóa nêu ra tại Hội nghị tổng kết dự án UNESCO/Quỹ tín thác Nhật Bản “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội” diễn ra sáng nay (18/12) tại Hà Nội.

Trong khi đã đặt mục tiêu là bảo tồn lâu dài khu di sản thế giới này thì chính tại đây, một số các hiện vật phát lộ ngoài trời đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiệm vụ trước mắt

“Những hiện vật phát lộ ngoài trời tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đang ở tình trạng bị đe dọa và cần có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp. Đây là nhiệm vụ cấp thiết và cần phải được thực hiện ngay.”

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội đã đưa ra khuyến nghị như vậy tại hội nghị.

Theo bà, bảo tồn di sản văn hóa là quá trình lâu dài; nhưng lâu dài không đồng nghĩa với việc không làm gì trong hiện tại! “Để việc bảo tồn được hiệu quả, các cơ quan chức năng cần xác định mục tiêu ưu trước mắt,” bà Marin khẳng đinh.

Cùng với đó, bà Katherine Muller Marin cũng cho rằng: Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản thế giới này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội nên là đầu mối để kết nối các đơn vị chức năng khác, tránh việc chồng chéo trong quản lý di sản.

“Khi có nhiều cấp, nhiều đơn vị cùng tham gia vào quản lý sẽ khó xác định trách nhiệm cụ thể của từng bên,” bà Marin bày tỏ.

Kiến nghị đó được bà Marin đưa ra dựa trên thực tế là những bất cập bộc lộ trong quá trình triển khai dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội” (2010-2013) do UNESCO tài trợ.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội chỉ rõ: Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu-đối tượng nghiên cứu chính của dự án, vẫn do Viện Khảo cổ học Việt Nam quản lý. 

Từ năm 2011, khu A và B thuộc khu di tích 18 Hoàng Diệu mới được chính thức bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội; trong khi đó, khu C và D vẫn do Trung tâm Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) quản lý. Toàn bộ tài liệu, hiện vật chưa bàn giao cho Thành phố Hà Nội.

“Bởi vậy, việc phối hợp nghiên cứu giữa các bên còn gặp nhiều vướng mắc,” ông Sơn bày tỏ.

Cần chiến lược dài hơi

Đồng quan điểm với bà Marin, ông Nobuo Kamei-đại diện Viện Nghiên cứu quốc gia về Tài sản văn hóa Tokyo đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch quản lý tổng quát, toàn diện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long; trong đó cần đặc biệt coi trọng việc xác định các mối đe dọa đối với di sản để có phương án bảo tồn phù hợp.

Cụ thể, theo vị chuyên gia này, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc khai quật khảo cổ học ở khu di tích 18 Hoàng Diệu, mở rộng vùng đệm xung quanh để tiến hành nghiên cứu, đánh giá về những giá trị kinh tế-xã hội của khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong bối cảnh hiện nay…

Theo ông Nobuo Kamei, những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua đã xác định được đây là khu vực trung tâm nhất của cấm thành thời xưa.

Những vết tích quan trọng được phát hiện cho thấy sự xếp chồng của các tầng kiến trúc kéo dài hàng nghìn năm lịch sử từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn, thậm chí còn có những dấu tích từ trước khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long.

Xuất phát từ thực tế đó, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội chỉ rõ, khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long còn tiềm ẩn rất nhiều giá trị mà chúng ta chưa thể hiểu hết. Việc này đòi hỏi những nghiên cứu lâu dài, có hệ thống trong tương lai./.

Dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội” là dự án do Quỹ tín thác Nhật Bản tài trợ, triển khai trong ba năm (2010-2013).

Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1 triệu USD.

Đối tượng đầu tư nghiên cứu chính của dự án là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (bao gồm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ Hà Nội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục