Nhiều ổ dịch phát sinh, Bình Định siết chặt công tác phòng, chống dịch

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng tuyến đầu tiếp tục thực hiện tốt chức trách được giao, hướng tới mục tiêu giảm thiểu số ca mắc hàng ngày.
Nhiều ổ dịch phát sinh, Bình Định siết chặt công tác phòng, chống dịch ảnh 1Bình Định triển khai tiêm để phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 7/12, ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành, cấp trong tỉnh siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, nâng cao ý thức tự giác phòng dịch của người dân đi kèm với các biện pháp xử phạt.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định đang có diễn biến rất phức tạp. Trong ngày 5/12, số ca mắc mới lên tới 428 ca. Xét theo cấp độ dịch, hiện tỉnh Bình Định ở cấp 3, nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ dịch bệnh phức tạp, khó lường, có dấu hiệu ngấm vào cộng đồng, nhiều ổ dịch phát sinh trong cơ quan, đơn vị.

Tính đến ngày 7/12, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên tới 5.879 ca, trong đó có 3.298 trường hợp đã khỏi bệnh, 2.556 bệnh nhân đang điều trị và 25 người tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Định, từ ngày 15/10 (thời điểm bắt đầu chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ) tới ngày 6/12, tỉnh Bình Định ghi nhận 4.169 ca mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày có 76,6 ca, tăng 65,5 ca/ngày so với trước đó.

Riêng trong tuần từ ngày 30/11-6/12, toàn tỉnh ghi nhận 1.592 ca mắc tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, tăng 514 ca so với tuần trước đó; số ca mắc trung bình mỗi ngày là 227,4 ca, tăng 73,4 ca/ngày so với tuần trước đó. Số ca mắc mới tăng nhanh đã gây áp lực lớn cho công tác thu dung, điều trị; ảnh hưởng đến sức khỏe của lực lượng nhân viên y tế tỉnh Bình Định vì thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng lo ngại dịch bệnh lây lan nhanh, nhưng một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là, không tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Nhiều quy định kiểm soát người đến, về từ vùng dịch, kinh doanh dịch vụ ăn uống không được quản lý, giám sát chặt chẽ. Nhiều hàng quán vẫn tập trung đông khách, không quét mã QR code, không có tấm ngăn, không giữ khoảng cách nhưng không được kiểm tra, xử lý.

[Ngày 7/12: Ghi nhận 13.840 ca nhiễm COVID-19 và 217 ca tử vong]

“Hiện tại, các địa phương nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19 của tỉnh Bình Định được xác định gồm: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Mỹ. Với đà lây lan hiện nay, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục có từ 200-250 ca mắc,” ông Lê Qung Hùng nhận định.

Sau gần 2 tháng thực hiện thích ứng an toàn, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong nhân dân và cả một số chính quyền địa phương. Toàn tỉnh Bình Định đã có hơn 1.000 ca F0 đang được điều trị tại nhà. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện sâu sát, nhất là tại các đô thị, nơi tập trung đông người.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng tuyến đầu tiếp tục thực hiện tốt chức trách được giao, hướng tới mục tiêu giảm thiểu số ca mắc hàng ngày, đồng thời vừa đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác đi kèm với các biện pháp xử phạt. Mỗi người dân phải ý thức bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và bảo vệ cộng đồng.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, dù đã số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Bình Định có độc lực thấp, nhưng nếu không chủ động ngăn chặn, chữa trị cũng rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Do vậy, ngành y tế và các địa phương trong tỉnh phải rà soát, chuẩn bị địa điểm thu dung, điều trị; rà soát nguồn nhân lực, phát huy lực lượng y tế tư nhân và rà soát, kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 để có thêm phương án phòng, chống dịch, không thể để dịch diễn biến như hiện nay.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng giao ngành Y tế tỉnh Bình Định đánh giá lại hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà theo từng nhóm đối tượng.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 1 bộ phận điều phối, xử lý các trường hợp khi F0 xuất hiện từ truy vết, khám sàng lọc, quyết định điều trị tại nhà hay chuyển đến cơ sở y tế dựa trên các kết quả xét nghiệm khoa học.

Riêng đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, các địa phương phải tiêm nhanh chóng, hiệu quả, không được để tồn đọng vaccine trong kho, phấn đấu tới ngày 15/12 sẽ phủ xong 2 mũi vaccine cho người dân trong diện tiêm chủng.

Đối với việc tiêm chủng vaccine cho trẻ, các đơn vị cần làm chắc chắn, có sự đồng thuận của cha mẹ, người giám hộ trẻ, hạn chế thấp nhất các biến chứng trong quá trình tiêm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục