Nhiều sáng kiến thúc đẩy du lịch khu vực châu Á

Tại hội nghị ở Hà Nội, lãnh đạo cơ quan du lịch các quốc gia, vùng lãnh thổ đã đề xuất nhiều chính sách phát triển du lịch khu vực.
Phiên họp lần thứ 22 liên ủy ban Đông Á-Thái Bình Dương và ủy ban Nam Á của Tổ chức Du lịch thế giới đã diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội với sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, thành viên liên kết, lãnh đạo, chuyên viên cơ quan du lịch các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chủ trì phiên họp là Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ông Taleb Rifai và hai đồng chủ tịch hai Ủy ban.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các chính sách, biện pháp nhằm phát triển du lịch trong khu vực như tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, thủ tục xuất nhập cảnh, chuyển dịch lao động du lịch, tài khoản vệ tinh dành riêng cho khách du lịch.

Các đại biểu cũng chia sẻ các thông tin chung về tình hình du lịch mỗi quốc gia, khu vực và thế giới trong bối cảnh hiện nay; đề xuất các chương trình, dự án hợp tác mới...

Các ý tưởng, sáng kiến của đại biểu trong phiên họp sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác du lịch trong và ngoài khu vực, để du lịch đạt được những thành quả sâu rộng hơn, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân khu vực, củng cố tình đoàn kết, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đăng cai tổ chức phiên họp liên ủy ban của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội nghị "Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế, xã hội" nhằm thể hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác du lịch đa phương, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch Việt Nam còn làm việc với Tổ chức Du lịch thế giới để triển khai một số dự án hợp tác mới trong tương lai.

Theo đó, chuyên gia của Tổ chức Du lịch Thế giới sẽ sang Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu du lịch, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, đánh giá tổng thể hướng phát triển du lịch tại một số khu vực nhiều tiềm năng như Hồ Ba Bể, Thác Bà và du lịch cộng đồng tại Hà Giang.

Tổ chức Du lịch thế giới cũng xem xét khả năng tiếp nhận cán bộ du lịch Việt Nam sang làm việc tại trụ sở chính tại Tây Ban Nha.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới từ năm 1981. Thời gian qua, Tổ chức Du lịch thế giới đã hỗ trợ du lịch Việt Nam triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực quy hoạch du lịch; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng văn bản pháp quy về du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực.

Sau phiên họp này, ngày 12/5, đoàn đại biểu dự họp sẽ tới thăm Hạ Long và tham gia bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới./.

Thanh Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục