Nhiều tai nạn thảm khốc vì 30% phương tiện "chết" dữ liệu GPS?

Dữ liệu GPS ôtô “chết”: Thiết bị gặp sự cố hay nhà xe cố tình ngắt?

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua còn cho thấy dữ liệu GPS trên xe ôtô hiện nay đang là dữ liệu “chết”, không hề có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm giao thông, phòng tránh tai nạn.
Dữ liệu GPS ôtô “chết”: Thiết bị gặp sự cố hay nhà xe cố tình ngắt? ảnh 1Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình được lắp trên xe. (Ảnh: Vietnam+)

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tỷ lệ phương tiện truyền dữ liệu GPS (hộp đen) về Tổng cục đang ngày một giảm dần, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc nhằm giám sát xe và các doanh nghiệp vận tải. Thậm chí, chính đơn vị này cũng không thể nắm rõ có bao nhiêu xe thiết bị GPS gặp sự cố và bao nhiêu xe cố tình ngắt đường truyền.

Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua còn cho thấy dữ liệu GPS hiện nay đang là dữ liệu “chết”, không hề có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm giao thông, phòng tránh tai nạn.

[Hơn 1.000 ôtô bị thu hồi phù hiệu do vi phạm về truyền dữ liệu]

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, toàn quốc có khoảng 584.000 phương tiện vận tải tham gia kinh doanh, bao gồm cả: xe khách, xe tải, container, taxi.... Nhưng gần đây, chỉ có khoảng 410.000 xe (tương đương 70%) truyền dữ liệu GPS về Tổng cục; khoảng 175.000 xe (30%) còn lại không truyền dữ liệu.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, rất khó để kiểm soát được trong số xe không truyền dữ liệu về Tổng cục vì nguyên nhân gì? Cũng có thể do xe hỏng hóc phải đi bảo dưỡng hoặc có thể do xe nghỉ và cũng có thể cố tình tắt?

“Hiện không có quy định nào về việc xe dừng hoạt động thì chủ xe phải thông báo cho cơ quản quản lý biết. Khi xe ngưng truyền dữ liệu thì chỉ có xuống tận nơi kiểm tra mới biết lý do vì sao,” ông Bình thừa nhận.

Dẫn chứng, vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk đã trực tiếp kiểm tra tại một số doanh nghiệp không truyền dữ liệu GPS về, kết quả xử phạt 10 doanh nghiệp vận tải cố tình ngắt GPS, thu hồi phù hiệu 24 phương tiện.

“Chỉ địa phương vào cuộc kiểm tra, hậu kiểm thì mới phát hiện được lý do vì sao phương tiện không truyền dữ liệu về hay là cố tình tắt đi. Còn Tổng cục Đường bộ không đủ người, đủ lực để làm việc này,” ông Bình nhìn nhận.

Đề cập đến giám sát, hậu kiểm việc xử lý của các địa phương đối với phương tiện không truyền dữ liệu GPS và thu hồi phù hiệu, vị Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, với 584.000 ôtô thuộc diện bắt buộc phải truyền dữ liệu GPS như hiện nay là quá lớn, không thể có đủ lực lượng sát sao tới từng xe để mà có thể xử lý tức thời.

“Dữ liệu GPS sử dụng như một hình thức phạt nguội của Cảnh sát giao thông nhưng nếu xử lý nghiêm thì tính chất còn nặng hơn, vì thường là thu hồi phù hiệu hoạt động phương tiện trong 1 tháng. Tuy nhiên, việc quản lý cấp phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải hiện quá lỏng lẻo, thời hạn phù hiệu là 7 năm, có doanh nghiệp được cấp phù hiệu xong thì chuyển đi nơi khác, đến Sở Giao thông Vận tải nơi cấp cũng không còn tìm được. Không ít trường hợp bị thu hồi phù hiệu nhưng cố tình không đến nộp,” ông Bình tiết lộ.

Theo ông Bình, Tổng cục Đường bộ đang đề xuất rút ngắn thời hạn hiệu lực của phù hiệu xe kinh doanh vận tải xuống còn 1-2 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục