Nhiều trẻ bị liệt tứ chi, hôn mê sâu do mắc viêm não Nhật Bản

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản.
Nhiều trẻ bị liệt tứ chi, hôn mê sâu do mắc viêm não Nhật Bản ảnh 1Một bệnh nhi mắc viêm não được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 26/6, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, gia tăng nhiều trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề.

[Vụ 3 trẻ tử vong ở Cao Bằng: Không phải do bệnh truyền nhiễm]


Nhiều trẻ bị di chứng nặng nề

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản.

Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.

Hiện nay, tại khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Không may mắn, cả hai bệnh nhi này đều phải gánh chịu một trong những di chứng nặng nề của bệnh.

Một bé trai 4 tuổi, ở Bắc Ninh, nhập viện ngày 5/6. Theo lời người nhà của bệnh nhi, trước đó 3 ngày, cháu bé xuất hiện sốt cao 40 độ C. Gia đình đã cho con dùng thuốc hạ sốt song không hiệu quả.

Hai ngày sau, bé trở nên li bì, co giật nhiều và sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải.

Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán bé mắc viêm não Nhật Bản.

Đến nay, sau 17 ngày được điều trị bằng thở oxy, dùng thuốc chống phù não, bé đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động. Người nhà cho biết, cháu bé chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh này.

Trường hợp khác là một bé trai 7 tuổi, ở Nghệ An, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12/6, khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 10.

Theo lời người nhà, sáng 2/6, bé đột ngột sốt cao 39-40 độ C. Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt thì thấy nhiệt độ có hạ. Hai ngày sau đó, bé liên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, có biểu hiện sợ ánh sáng.

Gia đình đưa bé vào Bệnh viện tỉnh Nghệ An và được các bác sỹ thông báo cháu mắc viêm não Nhật Bản. Bệnh nhi sau đó được tiến hành điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển.

Sau ba ngày, bé xuất hiện hôn mê, thở ức chế. Hai ngày sau đó, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng: phải đặt nội khí quản và liệt vận động toàn thân.

Đến nay, đã qua 14 ngày được các bác sỹ tích cực can thiệp bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù, tình trạng của bé có cải thiện hơn nhưng cháu đã xuất hiện những di chứng nặng như liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi. Dù đã mở được mắt song bé vẫn phải phụ thuộc vào máy thở.

Bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắcxin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.

Nhiều trẻ bị liệt tứ chi, hôn mê sâu do mắc viêm não Nhật Bản ảnh 2Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo bác sỹ Lâm, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa Hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.

Để phòng bệnh, bác sỹ Lâm khuyến cáo việc tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản; Tiêm 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục