Nhìn lại quan hệ “đối tác, đối thủ” Mỹ-Trung trong năm 2015

“Hợp tác trong đối đầu” luôn là xu thế chủ đạo trong quan hệ Mỹ-Trung và xu thế đó sẽ còn kéo dài một khi những vấn đề mâu thuẫn, bất đồng vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn lại quan hệ “đối tác, đối thủ” Mỹ-Trung trong năm 2015 ảnh 1 Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 25/9. (Nguồn: THX/TTXVN)

Quan hệ Mỹ-Trung năm 2015 luôn trong trạng thái hợp tác xen lẫn cạnh tranh. Dù giữa hai nước đã có những bước hợp tác nổi bật trong một số lĩnh vực quan trọng, song nhiều bất đồng vẫn tồn tại, thậm chí có những lúc mâu thuẫn trở nên gay gắt, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.

Không thể phủ nhận rằng trong năm 2015, Mỹ và Trung Quốc đã có những nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương và đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, thể hiện rõ qua chuyến công du Mỹ đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng Chín vừa qua - sự kiện được cả hai bên miêu tả là “cột mốc quan trọng” trong quan hệ hai nước.

Một trong những kết quả nổi bật mà hai bên đạt được là tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh mạng. Lãnh đạo hai nước đã ký kết thỏa thuận chống tin tặc song phương và sau đó đã tổ chức đối thoại cấp bộ trưởng vào đầu tháng 12.

Ngoài ra, hai nước cũng tích cực trao đổi quân sự; các thỏa thuận tránh đụng độ quân sự ngoài ý muốn đã giúp hai bên giảm đáng kể những nguy cơ tai nạn hoặc những tính toán sai lầm.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư phát triển nhất ở Mỹ với số vốn đầu tư vào bất động sản, nhà hàng khách sạn, dịch vụ công nghệ đạt mức cao nhất. Trung Quốc cũng nằm trong nhóm ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của 39/50 bang của Mỹ.

Mặt tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung năm 2015 còn được thể hiện qua sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu và an ninh khu vực. Trung Quốc và Mỹ đã tìm được tiếng nói chung trong một số lĩnh vực cụ thể như chống khủng bố, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc đạt được thỏa thuận hạt nhân then chốt giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) hồi tháng Bảy và thỏa thuận lịch sử về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) trong tháng 12 có sự đóng góp không nhỏ từ những nỗ lực của hai cường quốc này.

Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn những rạn nứt và nhiều bất đồng vẫn chưa thực sự được giải quyết, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề an ninh mạng và tranh chấp trên biển.

Dù đã đạt được thỏa thuận song phương về chống tội phạm mạng, song những căng thẳng xung quanh vấn đề an ninh mạng đã cho thấy mức độ thiếu lòng tin giữa hai cường quốc. Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng, làm rò rỉ thông tin của chính phủ Mỹ và đánh cắp bí mật của các công ty thương mại nước này.

Giới phân tích nhận định việc hai bên đạt được thỏa thuận về an ninh mạng và xúc tiến cuộc đối thoại cấp bộ trưởng mang tính đột phá về mặt ngoại giao, song không đủ lòng tin cần thiết để giải quyết triệt để "sóng ngầm" còn hiện hữu.

Ngay trong tuyên bố đưa ra sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn lo ngại "liệu lời nói có đi đôi với hành động," đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc và sử dụng các công cụ để truy tìm những tội phạm mạng nếu nhận thấy không có đủ hành động trên thực tế. Điều đó cho thấy sự hoài nghi của Tổng thống Obama về những cam kết mà Bắc Kinh đưa ra trong việc giải quyết bài toán an ninh mạng.

Theo đánh giá của chuyên gia Greg Austin của Đại học New South Wales (Australia), thỏa thuận trên chỉ dừng lại ở việc hai bên nhất trí không tiến hành hoặc hỗ trợ các hoạt động gián điệp mạng vì lợi ích thương mại, chứ không giải quyết vấn đề vì mục đích an ninh quốc gia và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các nước khác tiến hành hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Mỹ. Chuyên gia này cũng cảnh báo thỏa thuận có thể đổ vỡ nếu hai bên không hướng đến một văn kiện mang tính toàn diện hơn.

Biển Đông cũng là một trong những từ khóa được đề cập nhiều nhất trong quan hệ Mỹ-Trung trong năm qua và cũng là một trong những vấn đề “dậy sóng” nhất trong quan hệ giữa hai nước.

Mỹ nhiều lần công khai chỉ trích hoạt động xây dựng và tôn tạo trái phép đảo nhân tạo của Bắc Kinh làm ảnh hưởng đến tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông, cũng như “đang gây mất an ninh, ổn định” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước các hành động khiêu khích của Bắc Kinh, Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Những động thái trên của Mỹ khiến “vết nứt” trong quan hệ song phương ngày càng rộng.

Theo các chuyên gia, tất cả những mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ-Trung đều xuất phát từ nguyên nhân sâu sa là sự thiếu lòng tin chiến lược. Chuyên gia nổi tiếng của Mỹ David Lampton khẳng định rằng “sự mất lòng tin chiến lược là thách thức chủ yếu trong quan hệ Trung-Mỹ.”

Sự thiếu tin tưởng về chính trị được thể hiện rõ qua việc Trung Quốc luôn coi chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia.

Ngược lại, Mỹ lo ngại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đe dọa hòa bình khu vực và tạo ra thách thức trực tiếp đối với tham vọng khôi phục ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Đó cũng là lý do Mỹ không thực sự mặn mà với đề xuất của Trung Quốc "xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới," bởi bản chất của ý tưởng này là Bắc Kinh muốn thuyết phục Washington tạo không gian cho Trung Quốc tiếp tục phát triển mà không vấp phải sự kiềm chế của Mỹ.

Có thể nói “hợp tác trong đối đầu” luôn là xu thế chủ đạo trong quan hệ Mỹ-Trung. Và xu thế đó sẽ còn kéo dài một khi những vấn đề mâu thuẫn, bất đồng vẫn chưa được giải quyết do lòng tin chiến lược chưa được tạo dựng.

Cộng đồng quốc tế luôn hy vọng mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục