Nhìn lại SCIC: Lương trăm triệu, ế vốn và câu chuyện ám ảnh

Một số vấn đề được dư luận nhắc tới về đại diện vốn Nhà nước tại SCIC có thể chỉ là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn hơn mới thực sự ám ảnh.
Nhìn lại SCIC: Lương trăm triệu, ế vốn và câu chuyện ám ảnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theaccountants.yolasite.com)

Khoan nhắc tới thương vụ bán vốn Vinamilk nghìn tỷ, cái tên SCIC (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) năm 2016 còn là tâm điểm bởi “lùm xùm” lãnh đạo lĩnh lương trăm triệu đồng mỗi tháng hay những sai sót của đơn vị này lần đầu được Thanh tra Chính phủ hé lộ.

Thương vụ Vinamilk của SCIC hồi cuối năm đã xóa nhòa đi sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, vấn đề của đơn vị được nhiều người quen miệng gọi là “siêu tổng công ty” thì vẫn còn đó. Một số vấn đề được dư luận nhắc tới về đại diện vốn Nhà nước - theo một chuyên gia - có thể chỉ là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn hơn mới thực sự ám ảnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chiến lược và phát triển đã chia sẻ những quan điểm thẳng thắn về câu chuyện này.

- Kết quả thanh tra Chính phủ về SCIC công bố trước đó đã chỉ ra một loạt vấn đề trong việc thực hiện đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp như: Tiếp nhận doanh nghiệp mà không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định của pháp luật hay một người đại diện nhiều doanh nghiệp lớn,… Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: SCIC có thể hiểu là một siêu tổng công ty tại Việt Nam với việc thực hiện đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Theo kết quả thanh tra, có một số vấn đề về thủ tục khi các công ty chuyển về SCIC thiếu bước nào đó. Quy trình chuyển một công ty về SCIC đã có quy định rõ, ai có thẩm quyền, cần thủ tục nào. Tôi cho rằng đó là một trong những sai sót về mặt quản trị. Hoặc như việc có người quá tuổi vẫn quản lý, lương cao theo tôi cũng hoàn toàn thuộc về quản trị.

Nhưng khi đánh giá về SCIC thì sai sót về quản trị có thể nói là nhỏ thôi. Nguyên nhân lớn hơn là tại sao hình thành vấn đề như thế mới là quan trọng. Làm sao để SCIC quản trị tốt hơn, minh bạch hơn, đem lại hiệu quả hơn mới là chuyện phải thúc đẩy trong thời gian tới.

- Vậy theo ông, sự minh bạch, hiệu quả của SCIC trong thời gian qua có vấn đề gì không?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: Có thể coi SCIC như nhà đầu tư lớn, đại diện cho Nhà nước, gần như công ty Temasek của Singapore, một mô hình quản lý vốn Nhà nước thành công nổi tiếng trên thế giới. Việt Nam khi thành lập SCIC tôi nghĩ cũng học tập một phần của Temasek. Thế nhưng, Temasek của Singapore khác Việt Nam, họ có khả năng quản lý công hiệu quả nên tổng công ty quản lý vốn của họ hiệu quả.

Với Việt Nam, ta thành lập SCIC cũng mong nắm nhiều vốn Nhà nước, nhiều tài sản, kinh doanh hiệu quả và minh bạch. Tuy nhiên, hiện tại, muốn tìm một thông tin về SCIC ví dụ như hiện quản lý bao nhiêu cổ phần Nhà nước, hiệu quả đầu tư ra sao, chi phí quản lý, năng lực giám sát, sự tham gia của SCIC xuống các công ty hiệu quả như thế nào,…. thì các nhà khoa học hay người dân nói chung không có thông tin.

Tôi không biết cơ quan quản lý có đánh giá đặc biệt về SCIC hay không nhưng với góc độ một nhà nghiên cứu thì bản thân tôi thấy không có bất kỳ một cuộc đánh giá nào cho tới vừa rồi có cuộc thanh tra về SCIC của Thanh tra Chính phủ.

Để hiệu quả thì ta phải thúc đẩy trước hết là vấn đề minh bạch thông tin để mọi người cùng phân tích, đánh giá SCIC hoạt động hiệu quả như thế nào. Hai là phải xác định rõ vai trò của SCIC trung, dài hạn là quản lý, phát triển vốn hay vai trò là thực hiện thúc đẩy cổ phần hóa.

Hai mục tiêu là khác nhau vì nếu xác định phát triển vốn thì phải giao chỉ tiêu lợi nhuận mỗi năm bao nhiêu. Nếu SCIC không làm được thì không hiệu quả bằng gửi tiết kiệm. Nếu là thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa thì SCIC phải đưa ra lộ trình và giám sát mục tiêu. SCIC phải có trách nhiệm thực hiện mục tiêu đó. Ví dụ như năm nay thực hiện cổ phần hóa 30% số lượng doanh nghiệp SCIC quản lý. Nếu không được thì SCIC chưa làm tròn nhiệm vụ, ta phải xem xét.

Nếu tính minh bạch, chức năng nhiệm vụ một tổ chức chưa làm rõ thì khó xem xét đánh giá hiệu quả.

Nhìn lại SCIC: Lương trăm triệu, ế vốn và câu chuyện ám ảnh ảnh 2Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Có ý kiến cho rằng không nên trao quyền kinh doanh vốn cho SCIC, chỉ còn lại giám sát vốn Nhà nước. Ý kiến của ông thì sao, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình: Ta học tập Singapore, công ty vừa quản lý, phát triển vốn vừa giám sát nhưng vai trò 1 tổng công ty lớn có thể thực hiện ở Việt Nam hay không phải xem câu chuyện khác.

Quan điểm trên có thể nhìn nhận là tách chức năng kinh doanh và quản lý Nhà nước. Có thể SCIC là đơn vị mang tính giám sát Nhà nước để xem đơn vị phía dưới kinh doanh tốt không. Còn việc đầu tư, cổ phần hóa, bán vốn thì giao một công ty độc lập khác. Việc này có thể được nhưng như vậy, ta lại phải tìm được một đơn vị độc lập khác làm việc này. Trong khi ấy, hiện ta chưa có mối nào, mô hình nào làm được một cách công khai, minh bạch.

Nếu tách ra để thành lập “SCIC 2,” theo tôi đó chưa phải là giải pháp. Quan trọng là ta phải minh bạch, công bố báo cáo tài chính hàng năm, công bố định hướng, mục tiêu hàng năm. Hai là nhiệm vụ của SCIC phải được lượng hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh doanh, cổ phần hóa và có đánh giá cuối năm có hoàn thành hay không.

Việc tách ra hay không thì yêu cầu quan trọng vẫn là quy chế giám sát, đánh giá rõ ràng. Nếu làm tốt thì hoạt động của SCIC mới minh bạch, hiệu quả hơn./.

- Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nói về những vấn đề của SCIC.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục