Cục Tài chính doanh nghiệp: Thoái vốn chậm do "né trách nhiệm"

Nhìn lại thoái vốn: Vẫn đợi thương vụ Vinamilk, Sabeco, Habeco?

Sau 7 tháng, các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn thu về gần 16.000 tỷ đồng tuy nhiên phần lớn trong đó là nhờ tính cả thương vụ bán vốn Vinamilk thu về 11.000 tỷ đồng thực hiện từ cuối năm trước.
Nhìn lại thoái vốn: Vẫn đợi thương vụ Vinamilk, Sabeco, Habeco? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sau 7 tháng, các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn thu về gần 16.000 tỷ đồng tuy nhiên phần lớn trong đó là nhờ tính cả thương vụ bán vốn Vinamilk thu về 11.000 tỷ đồng thực hiện từ cuối năm trước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 7 tháng, các đơn vị đã thoái được 3.693 tỷ đồng, thu về 15.770 tỷ đồng. Trong số này, kết quả thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư) đã thu về 103 tỷ đồng.

Việc thoái vốn ở các doanh nghiệp khác, ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm theo báo cáo thu về 3.428 tỷ đồng.

Riêng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đại diện Bộ Tài chính tính toán, đơn vị này đã bán vốn tại 20 doanh nghiệp với giá trị là 1.394 tỷ đồng và thu về 12.238 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số hơn 12.000 tỷ đồng này phần lớn từ thương vụ thoái vốn Vinamilk được thực hiện cuối năm 2016 thu về 11.286 tỷ đồng.

Trước đó, đánh giá công tác thoái vốn, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động này đang diễn ra chậm.

Vị lãnh đạo này cho rằng, việc chậm trễ về khách quan là do khả năng hấp thụ của thị trường chưa lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn được đại diện Bộ Tài chính khẳng định là từ chính các lãnh đạo doanh nghiệp.Theo ông, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các doanh nghiệp có tư tưởng sợ, né trách nhiệm.

Đây cũng là vấn đề được chính Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong phiên họp Chính phủ hồi tháng Bảy. Bộ trưởng thậm chí còn thẳng thắn chỉ ra việc chậm thoái vốn Nhà nước tại hai tập đoàn lớn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

[SCIC sắp thoái 3,33% vốn ở Vinamilk, có thể thu về 7.000 tỷ đồng]

Liên quan tới thoái vốn, thông tin đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây là, lãnh đạo SCIC đã tiết lộ, đơn vị này sẽ bán 48.330.000 cổ phần, tương đương 3,33% vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Về thời gian, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi cho hay, phía cơ quan chức năng sẽ thực hiện giao dịch ngay trong năm nay và dự kiến sẽ mở bán trong tháng Mười. Ông cũng tính toán thêm, nếu thị trường tốt, đợt bán vốn 3,33% của Vinamilk có thể giúp thu về 6.500-7.000 tỷ đồng.

Ở hướng khác, lãnh đạo Bộ Công Thương mới đây cũng thông báo sẽ bán vốn tại Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) trong năm nay.

Tới giữa tháng Bảy, phía Habeco đã ký hợp đồng tư vấn giải pháp và thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi với liên doanh của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Cổ phần định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).

Trong khi ấy, Sabeco đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Ernst & Young và Công ty cổ phần Thông tin và Định giá Việt Nam (VietValue)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục