Nhóm G7 nhất trí sẽ áp dụng thêm lệnh trừng phạt với Nga

Nhóm G7 nhất trí sẽ áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga

Các nhà lãnh đạo của bảy cường quốc cảnh báo Nga sẽ đối mặt với nguy cơ hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhóm G7 nhất trí sẽ áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga ảnh 1Các đại diện cấp cao tại Hội nghị G7 mở rộng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/6, các nhà lãnh đạo của bảy cường quốc cảnh báo Nga sẽ đối mặt với nguy cơ hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu với báo giới tại lâu đài Elmau chiều 8/6 sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7), nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Nga thực thi Thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ không phải tính thêm tới các biện pháp trừng phạt bổ sung khi Nga tuân thủ Thỏa thuận Minsk.”

Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhấn mạnh hiện không có lý do để dỡ bỏ trừng phạt Nga, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron nêu rõ G7 nhất trí giữ nguyên các biện pháp trừng phạt hiện nay với Moskva chừng nào Thỏa thuận Minsk chưa được thực thi một cách toàn diện.

Ngày 8/6, hội nghị G7 đã ra Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

Về tình hình kinh tế, tuyên bố của G7 khẳng định quyết tâm giải quyết các thách thức, tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy và đạt được tăng trưởng thông qua khuyến khích giáo dục, cải tiến, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ủng hộ đầu tư cá nhân.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một hệ thống thuế quan quốc tế công bằng và hiện đại; coi thương mại và đầu tư là động lực then chốt cho tăng trưởng, kiến tạo việc làm và phát triển bền vững, duy trì các thị trường mở và phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch.

G7 cũng cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Các nhà lãnh đạo G7 hoan nghênh và kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại quan trọng đang được tiến hành, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) giữa EU-Nhật Bản nhằm đạt được các thỏa thuận tham vọng và toàn diện, có lợi cho các bên.

Các hiệp định như EPA EU-Nhật Bản và TTIP sẽ được thúc đẩy để nhanh chóng kết thúc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc trước cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục