Nhóm hàng nông sản xuất khẩu gặp khó trong quý 1

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố tác động từ thị trường thế giới, giá cả, chất lượng sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, năm 2012 các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ gặp khó khăn, nhất là trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản bởi nhiều yếu tố tác động từ thị trường thế giới, giá cả, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh cũng như trong tiếp cận vốn vay tín dụng, dịch bệnh...

Thực tế trong những tháng đầu năm 2012 đã chứng minh cho nhận định trên là có cơ sở. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý 1 ước đạt gần 5,9 tỷ USD; trong đó các mặt hàng nông sản chính chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm hàng này, gạo và càphê là hai mặt hàng nông sản chính giảm cả về lượng và giá trị. Cụ thể, gạo ước xuất khẩu trong quý 1 đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 681 triệu USD, giảm 32,1% về lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kì năm trước. Gạo xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh với một số nước xuất khẩu gạo chất lượng trung bình khác là Ấn Độ, Myanmar và Pakistan khi giá gạo của họ bán thấp hơn trên thị trường thế giới.

Đối với mặt hàng càphê, tổng lượng xuất khẩu trong quý 1 ước đạt 504.000 tấn và giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng và 14,3% về giá trị. Để bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường châu Âu, càphê Việt Nam được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, Algeria và Mexico với mức tăng trưởng gấp từ 4 đến 9 lần so với năm trước.

Chỉ có hạt điều và tiêu là vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định tại các thị trường. Xuất khẩu hạt điều quý I ước đạt 31.000 tấn với trị giá 222 triệu USD, tăng 6,6% về lượng và 8,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu tiêu trong quý 1 ước đạt 24.000 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu 164 triệu USD, tuy có giảm 7,5% về lượng nhưng vẫn tăng 29,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Với những khó khăn trước mắt, Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt hơn trong tổ chức sản xuất kinh doanh; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, hỗ trợ phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất tốt, công nghệ cao.

Bộ nông nghiệp cũng đề nghị tăng hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng phù hợp với từng đối tượng phù hợp; áp dụng thuế suất xuất khẩu đối với một số loại nông, lâm thủy sản thô (dăm gỗ, mủ cao su...) nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến trong nước; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường và các hoạt động nâng cao giá trị hàng hóa trong lĩnh vực thương mại.../.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục