Nhóm Yakuza lớn nhất tách đôi, Nhật lo chiến tranh băng đảng

Chiến tranh có thể sắp xảy ra trong thế giới băng đảng ở Nhật Bản, khi Yamaguchi-gumi – băng yakuza lớn nhất nước - đang chuẩn bị tách làm hai.
Nhóm Yakuza lớn nhất tách đôi, Nhật lo chiến tranh băng đảng ảnh 1Đặc trưng của Yakuza là hình xăm kín người (Nguồn: RT)

Chiến tranh có thể sắp xảy ra trong thế giới băng đảng ở Nhật Bản, khi Yamaguchi-gumi – băng yakuza lớn nhất nước - đang chuẩn bị tách làm hai. Nhà chức trách Nhật Bản đang chờ đợi sự xuất hiện của bạo lực đẫm máu, do băng này chiếm 43% số lượng thành viên băng đảng trên toàn nước Nhật.

Theo tờ Japan Times, nguyên nhân gây chia rẽ là do các khác biệt trong sự trung thành với viên sếp đã 73 tuổi của băng là Shinobu Tsukasa, người trở thành ông trùm yakuza quyền lực nhất nước vào năm 2005.

Nhiều bài báo nói rằng ông trùm đã khiến một số kẻ tức giận do có những đối đãi thiên vị với một số nhóm trong băng. Ngoài ra ông còn có tham vọng mở rộng lãnh thổ và vươn tầm hoạt động ra ngoài các địa bàn truyền thống. Tsukasa, người còn có cái tên khác là Kenichi Shinoda, hiện đang là ông trùm đời thứ 6 của băng.

Japan Times dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết 12 trong số hơn 30 nhóm của Yamaguchi-gumi đã đe dọa sẽ rời khỏi băng để thành lập lực lượng riêng. Điều này đã khiến nhà chức trách được đặt vào tình trạng báo động rất cao, do băng Yamaguchi-gumi đã trở thành một tổ chức tội phạm cực lớn.

Ngoài số lượng thành viên tới 10.300 người vào cuối năm 2014, băng còn gồm 23.400 "thành viên không chính thức" hoặc chỉ tham gia một phần với băng. Ảnh hưởng của băng xuất hiện tại khắp mọi nơi.

Yamaguchi-gumi cũng đặc biệt giàu có. Tạp chí Fortune đưa tin hồi năm 2014 rằng doanh thu thường niên của băng đã chạm mức 80 tỷ USD, khiến đây là băng yakuza giàu có nhất thế giới.

Yamaguchi-gumi, thành lập năm 1915 và có trụ sở ở Kobe, đã từng đối mặt với nguy cơ chia rẽ trước đây. Năm 1985, một nhánh lớn trong băng đã tìm cách tách ra, gây nên một cuộc xung đột lớn, với 239 vụ đụng độ bạo lực và giết chóc.

Giờ đây băng Yamaguchi-gumi đang có tham vọng mở rộng hoạt động vào Tokyo và xa hơn thế, thông qua một tổ chức yakuza nhỏ hơn được băng hợp lực thành lập vào năm 1984, có tên Kodo-kai. Không giống cách đây 30 năm, quy mô bạo lực lần này có thể lớn hơn nhiều, do tới 12 nhóm "ly khai" trong Yamaguchi-gumi đã có ý định chống lại 20 nhóm còn lại, vẫn trung thành với Tsukasa.

Những năm 1980 được xem là giai đoạn "bong bóng" của yakuza, khi việc trở thành một thành viên của yakuza (không bất hợp pháp dưới luật Nhật) vẫn còn hấp dẫn. Nhưng một nền kinh tế đã giảm tốc độ tăng trưởng và việc cảnh sát tăng cường hoạt động trấn áp đã tạo ra nhiều rạn nứt nội bộ, đồng thời khiến người ta không còn muốn gia nhập yakuza nữa.

Nhóm Yakuza lớn nhất tách đôi, Nhật lo chiến tranh băng đảng ảnh 2Kenichi Shinoda, ông trùm của băng Yamaguchi (Nguồn: RT)

Do tình hình kinh tế, số liệu thống kê của năm 2013 cho thấy đã có sự sụt giảm lớn về số lượng thành viên yakuza. Cụ thể, số lượng thành viên yakuza đã giảm mất 3.000 người, tụt xuống còn khoảng 60.000 người trên toàn Nhật Bản.

Cho tới gần đây, cảnh sát Nhật vẫn giữ thái độ khá khoan dung với các băng tội phạm yakuza, trong bối cảnh ảnh hưởng của chúng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực trong xã hội, thậm chí bao gồm cả các công ty được giao nhiệm vụ thuê công nhân dọn dẹp thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Fukushima.

Các công ty bình phong, hoạt động như những doanh nghiệp đáng được trọng vọng, là kết quả từ việc chính quyền tăng cường chú ý tới yakuza. Chúng mọc lên nhiều, khi các băng yakuza dần dịch chuyển khỏi các nguồn doanh thu truyền thống, như buôn bán ma túy, bảo kê, kinh doanh mại dâm và buôn người.

Tuy nhiên không phải chuyển sang kinh doanh hợp pháp đã là an toàn. Mỹ đã tiến hành phong tỏa tài sản tài chính của Yamaguchi-gumi để tại phương Tây vào năm 2012.

Năm 2011, Tsukasa ra tù sau 6 năm thụ án sở hữu vũ khí trái phép. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông này đã nói về việc sự tồn tại của Yamaguchi-gumi đã có tác động "tích cực" tới giá trị đạo đức cốt lõi của thanh niên ra sao.

“Nếu Yamaguchi-gumi bị giải tán, trật tự công cộng có thể sẽ tồi tệ đi" - Tsukasa nói với tờ Sankei.

Được biết những năm 1970, ông này cũng từng thụ án 13 năm tù do dùng kiếm samurai sát hại một đối thủ.

Tuy nhiên bất chấp những lo ngại bạo lực có thể xảy ra lần nữa từ sự lục đục nội bộ của yakuza, nhà chức trách Nhật vẫn thấy có cơ hội cho những điều tích cực xuất hiện. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nói trong ngày thứ Sáu rằng đây có thể là cơ hội để chính quyền và các lực lượng thực thi luật pháp làm suy yếu yakuza.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục