Nhu cầu tìm việc trực tuyến giảm mạnh dịp cuối năm

Trong thời điểm cuối năm 2011, nhu cầu tìm việc làm trực tuyến đã giảm mạnh, trong đó ngành ngân hàng đã xuống mức thấp nhất so với cả năm.

Trong năm 2012, thị trường tuyển dụng trực tuyến có khả năng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm, do doanh nghiệp sẽ thận trọng trong tuyển dụng khi thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Ngày 9/1, VietnamWorks, nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, công bố “Báo cáo chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến Việt Nam tháng 12/2011.”

Theo báo cáo, nhu cầu nhân lực trực tuyến trong tháng 12 đã giảm thêm 21 điểm, tương đương 16% so với tháng 11, trong đó tài chính/đầu tư, kiến trúc/thiết kế nội thất và ngân hàng giảm mạnh nhất.

Ngoài ra, nhu cầu nhân lực trực tuyến cho ngành ngân hàng trong tháng 12 cũng ở mức thấp nhất so với toàn bộ năm 2011.

Trong những ngành dẫn đầu về số lượng việc làm trực tuyến năm 2011, chỉ số nhu cầu nhân lực trực tuyến cho ngành bán hàng có nhiều biến động mạnh hơn so với marketing và kế toán/tài chính. Đầu tư/tài chính, hành chính/thư ký và chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao nhất trong tháng 12/2011.

Nhu cầu nhân lực và việc làm trực tuyến trong tháng 12 đều giảm mạnh

Trong tháng 12/2011, số lượng việc làm dành cho ứng viên tìm việc giảm nhiều, dẫn đến chỉ số nhu cầu nhân lực trực tuyến của toàn thị trường chỉ còn 105 điểm, giảm 21 điểm so với tháng 11, tương đương 16%.

Như vậy, theo số liệu ghi nhận trong năm 2011, nhu cầu nhân lực trực tuyến 6 tháng đầu năm cao hơn hẳn 6 tháng cuối năm, trung bình cao hơn 18%.

Trong năm 2012, thị trường tuyển dụng trực tuyến có khả năng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm, do doanh nghiệp sẽ thận trọng trong tuyển dụng khi thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Về tương quan giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc trên thị trường nhân lực trực tuyến, trong năm 2011, quý 3 là thời điểm nhà tuyển dụng có nhiều lợi thế nhất do nguồn cung phong phú trong khi nhu cầu không quá cao.

Đây là thời điểm nhà tuyển dụng cần chú ý cho kế hoạch tuyển dụng 2012. Còn trong tháng 12 vừa qua, chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến đã giảm 23%, thị trường nghiêng hẳn về phía người tìm việc.

Điều này cho thấy trong thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm việc đã giảm mạnh. Nhu cầu này sẽ được phục hồi sau Tết Nguyên Đán.

Ngân hàng có nhiều biến động về nhu cầu nhân lực trực tuyến

Trong tháng 12/2011, ngân hàng, tài chính/đầu tư và kiến trúc/thiết kế nội thất là ba ngành có mức giảm nhu cầu nhân lực trực tuyến nhiều nhất.

Với mức giảm 39% trong tháng 12, nhu cầu nhân lực trực tuyến cho ngành ngân hàng đã giảm tổng cộng 55% trong 2 tháng cuối năm 2011, chỉ còn 1.92 điểm.

Tháng 12 còn là tháng có số lượng việc làm cho ngành ngân hàng thấp nhất trong toàn bộ năm 2011.

Đầu tư/tài chính, hành chính/thư ký và chứng khoán là ba ngành có mức độ cạnh tranh cao nhất trong tháng 12/2011.

Như vậy, bảng cạnh tranh theo ngành đã có sự thay đổi, truyền thông/báo chí và xuất nhập khẩu đã phải nhường cho đầu tư/tài chính và chứng khoán.  

Ngành có chỉ số cạnh tranh cao nhất Chỉ số cạnh tranh
Đầu tư/ Tài chính 1.97
Hành chính/ Thư ký 1.69
Chứng khoán 1.63

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực trực tuyến

Trong năm 2011, Hà Nội đã dẫn đầu về số lượng việc làm trực tuyến trong 7 tháng liên tiếp, từ tháng 2 đến tháng 8. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2011, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt lên Hà Nội và trong tháng 12, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng việc làm trực tuyến và hơn Hà Nội đến 14%.

Tổng số việc làm đăng tuyển trực tuyến tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 2/3 nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của cả nước. Đứng ở vị trí thứ 3 như Bình Dương cũng chỉ chiếm 3% nhu cầu cả nước.

Từ tháng 8 năm 2011, VietnamWorks, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam, giới thiệu “Báo cáo chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến hàng tháng.”
Đây là bản tổng kết hàng tháng về những diễn biến đã xảy ra trên thị trường nhân lực trực tuyến trong tháng vừa qua, những xu hướng của nguồn cung và nhu cầu lao động trực tuyến cũng như phân tích về mức độ cạnh tranh của các ngành nghề trên thị trường lao động Việt Nam, thông qua số liệu ghi nhận từ trang web VietnamWorks.
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục