Nhức nhối tình trạng quá tải bậc tiểu học ở các KCN

Tình trạng quá tải bậc tiểu học ở Biên Hòa đang nhức nhối, tình trạng học ca 3 luôn tái diễn, thậm chí có nơi dự kiến cho học ca 4.
Năm học 2013-2014, theo dự báo của ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai, số học sinh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao so với những năm trước. Đặc biệt, tại thành phố Biên Hòa, sẽ có khoảng 15.000 học sinh vào lớp 1.

Số học sinh tăng trong lúc trường lớp hàng năm chỉ được sửa chữa, ít xây mới làm cho tình trạng quá tải bậc tiểu học ở đây thêm nhức nhối.

Vấn nạn học ca 3 tại thành phố Biên Hòa chắc chắn sẽ tái diễn, thậm chí có nơi đang tính chuyện cho học sinh học ca 4.

Từ nhiều năm qua, bước vào năm học mới những bậc phụ huynh có con vào lớp 1 tại các phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) lại mất ăn mất ngủ, lo lắng tìm cho con một “bến đỗ.”

Trong dòng người chen chúc đến nộp hồ sơ cho con đi học tại Trường tiểu học Trảng Dài, chị Trần Thị Lan cho biết: “Nhà trường thông báo nhận hồ sơ học sinh từ ngày 2-7/8, ngày đầu tiên tôi đến trường nhưng đông quá nên đợi cả ngày mà không nộp được. Ngày thứ 2 tôi lại đến tiếp, nhưng chờ cả ngày vẫn chưa đến lượt mình. Nếu không vào được trường Trảng Dài gia đình buộc phải cho cháu học trường tư. Chúng tôi làm công nhân, không đủ tiền cho con học trường tư."

Hiện trên địa bàn phường Trảng Dài chỉ có duy nhất một trường tiểu học. Trường này có 32 phòng nhưng có đến 96 lớp với hơn 4.400 học sinh, trong đó có 1.048 học sinh lớp 1.

Do thiếu lớp nên những năm qua, Trường tiểu học Trảng Dài phải dồn lớp, tổ chức cho 32 lớp học buổi trưa (ca 3).

Theo lãnh đạo Trường tiểu học Trảng Dài, năm học 2013-2014 trên địa bàn phường có gần 1.200 trẻ đủ điều kiện vào lớp 1. Do số học sinh tăng nên trường sẽ mở thêm 20 lớp.

Hiện nhà trường đang liên hệ để mượn tạm 10 phòng học của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Nếu không mượn được thì 20 lớp này sẽ phải học ca 4.

Trong khoảng 5 năm qua, hàng năm phường Long Bình có trên 1.000 học sinh vào lớp 1. Riêng năm học 2013-2014, có gần 1.400 trẻ 5 tuổi ra lớp.

Dù có 3 trường tiểu học, nhưng tại phường Long Bình "cung" vẫn không đủ "cầu," các trường phải mượn nơi để mở thêm lớp, riêng Trường tiểu học Lý Thường Kiệt phải thuê 18 phòng học của Trường trung cấp thống kê để bố trí cho gần 800 học sinh.

Để tránh tình trạng học 3 ca, các trường tiểu học ở Long Bình còn phải tăng sĩ số lớp (50-60 em/lớp). Ngoài ra, con em nhiều gia đình trên địa bàn phường phải chấp nhận đi học tại các phường, xã khác, như Tam Hòa, Bình Đa, Tam Hiệp, Phước Tân.

Tại phường Long Bình Tân, tình trạng quá tải bậc tiểu học cũng diễn ra. Để giải quyết bài toán này, nhiều năm qua, Trường tiểu học Long Bình Tân phải mượn Trung tâm học tập cộng đồng của phường, ngăn làm lớp học. Năm học này, số học sinh tại trường tiếp tục tăng cao nên nhà trường sẽ phải mượn 1 số phòng học của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa, trên địa bàn thành phố hiện có 60 trường tiểu học công lập và tư thục với trên 69.000 học sinh.

Số học sinh tiểu học ở Biên Hòa luôn năm sau cao hơn năm trước (mỗi năm tăng khoảng 3.000 em). Riêng năm 2013, số trẻ sinh năm “heo vàng” (2007) đến tuổi đi học nên tỷ lệ học sinh vào lớp 1 dự đoán sẽ tăng đột biến.

Là địa phương thu hút đông lao động nhập cư, dân số tăng nhanh, tuy nhiên, hệ thống trường lớp ở Biên Hòa những năm qua ít được xây mới, nhiều trường đã xuống cấp nghiêm trọng, một số phòng học phải đóng cửa.

Trước thực trạng này, thành phố Biên Hòa đã có dự án xây dựng, sửa chữa năm trường tiểu học tại các phường Trảng Dài, Long Bình Tân, Tân Hiệp, Bửu Long, An Bình.

Ông Bùi Văn Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa cho biết tình trạng thiếu trường lớp, học ca 3 diễn ra ở nhiều phường tại thành phố.

Các dự án xây trường khi hoàn thành cũng chỉ giải quyết được bài toán thiếu lớp trong khoảng 2-3 năm. Như ở phường Trảng Dài, dự án Trường tiểu học Trảng Dài 2, quy mô 30 lớp, đầu học kỳ 2 năm học này sẽ được đưa vào sử dụng. Tình trạng học ca 3 tại đây lúc đó sẽ chấm dứt, nhưng nếu trường lớp không tiếp tục được xây dựng thì đến năm 2017 việc học ca 3 lại tái diễn.

Cũng theo ông Phượng, nhiều trường tiểu học tư thục tại Đồng Nai hiện đang thiếu học sinh theo học do chi phí cao; công nhân nhập cư không đủ khả năng chi trả; người dân có tâm lý chuộng trường công lập.

Ông Phượng đề xuất: “Để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu trường lớp, chấm dứt tình trạng học ba ca, ngay từ bây giờ thành phố Biên Hòa cần có sự đầu tư mạnh hơn nữa nhằm xây dựng, mở rộng trường không chỉ bậc tiểu học mà cả bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông”./.

Công Phong (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục