Những "bông hồng vàng" của Cảnh sát giao thông Hà Nội

Từ 3 năm trở lại đây, hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp đứng bục để điều tiết giao thông vào giờ cao điểm đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội.
Những "bông hồng vàng" của Cảnh sát giao thông Hà Nội ảnh 1Từ 2 năm nay, hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Từ 3 năm trở lại đây, hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp đứng bục để điều tiết giao thông vào giờ cao điểm đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội. Bất kể nắng hay mưa, họ vẫn lặng lẽ với công việc của mình với tất cả lòng yêu nghề và sự tận tụy. Với nhiều người, họ chính là những "bông hồng vàng," góp phần làm đẹp hình ảnh của các chiến sỹ cảnh sát giao thông Hà Nội.

Trung úy cảnh sát giao thông Trịnh Thị Lan Anh, năm nay 27 tuổi hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 7. Từ 3 năm nay, Lan Anh đã quen với nhịp sinh hoạt đặc thù riêng.

Sáng nào cũng vậy, cứ từ khoảng 5 giờ 30 phút tới 6 giờ, nữ trung úy nhà ở Kiến Hưng, Hà Đông đã thức dậy để tranh thủ làm việc nhà đồng thời chuẩn bị trang phục, dụng cụ để đến chốt. Đúng 7 giờ, cô gái xinh đẹp quê Hòa Bình đã có mặt tại bục điều khiển giao thông để bắt đầu làm nhiệm vụ.

“Bắt đầu từ sau Tết 2012, thực hiện kế hoạch của lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, em cũng chính thức được giao cho nhiệm vụ mới. Mặc dù đã được học trong trường môn Điều khiển giao thông, nhưng những ngày đầu, em vẫn cảm thấy rất bỡ ngỡ,” Lan Anh kể lại về những ngày đầu “bước ra công chúng” của mình với một nụ cười rất tươi.

Những "bông hồng vàng" của Cảnh sát giao thông Hà Nội ảnh 2Trung úy Lan Anh điều tiết các phương tiện lưu thông (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Mỗi một ca đứng bục điều khiển giao thông kéo dài 1,5 tiếng; sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30, chiều từ 16 giờ tới 17 giờ 30 bất kể thời tiết nắng hay mưa. Vừa vội vàng chuẩn bị trang phục, dụng cụ cho ca trực, Lan Anh vừa thành thật: “Thời gian đầu, do chưa quen nên việc đứng chốt dài như vậy nên em rất mỏi và bị chùn chân. Nhưng nhìn vào dòng xe cộ vẫn nườm nượp chạy, em lại lên tinh thần và có thêm quyết tâm làm nhiệm vụ của mình.”

Trung úy Trịnh Thị Lan Anh cho biết thêm, ngoài việc phải khắc phục vấn đề sức khỏe, để hoàn thành nhiệm vụ, các nữ cảnh sát giao thông còn cần phải phối hợp ăn ý với đồng nghiệp. Bởi chỉ cần lệch nhau trong một thao tác sẽ dẫn đến những xung đột giao thông.

Rất may, trong quá trình làm nhiệm vụ đặc biệt ấy, cô trung úy trẻ luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em đồng nghiệp cũng như sự động viên kịp thời của lãnh đạo đội và gia đình.

Lan Anh tâm sự: “Những hôm đến ca đứng bục, sáng phải dậy khá sớm, chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, chăm con rồi lại vội đi làm. Chiều về khá muộn, nhiều lúc nghĩ thương con vì mình đi suốt ngày. Nhưng cũng may em có ông bà lên chăm sóc cháu giúp, nên em cũng yên tâm để công tác hơn.”

Cũng giống với Lan Anh, thượng sỹ trẻ Nguyễn Thị Kim Anh của đội Cảnh sát giao thông số 2 từ 3 năm nay đã quá quen với nhiệm vụ lên chốt điều tiết các phương tiện vào giờ cao điểm. Mặc dù vậy, cô vẫn không thể nào quên cái cảm giác bỡ ngỡ ngày đầu tiên ra quân. Thượng úy Kim Anh thành thật bảo: Khi ấy cố cảm thấy thực sự run, rụt rè và lo lắng.

“Nhận một nhiệm vụ hoàn toàn mới, lại đứng trước hàng trăm người, nên em cũng như các chị đều vô cùng hồi hộp. Tất cả người đi đường đều nhìn vào bọn em vì… lạ,” Kim Anh chia sẻ.

Những "bông hồng vàng" của Cảnh sát giao thông Hà Nội ảnh 3Hình ảnh đẹp của nữ Cảnh sát giao thông Hà Nội (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Cực nhất với nữ cảnh sát giao thông tham gia đứng bục là những ngày hè nắng nóng. Vào giờ cao điểm, với hàng trăm phương tiện cùng lúc đổ dồn về, nhiệt độ trên mặt đường có lúc lên tới hơn 40 độ C. Thử thách thực sự bắt đầu với các cô gái trẻ mặc áo lính. Cái nóng từ nhiều phía hầm hập để về. Mùi khói xe bao vây cùng hàng trăm thứ tiếng ồn khiến những "bông hồng vàng" mỏi nhừ và gần như kiệt sức.

Tuy nhiên, dần dần mọi thứ cũng trở nên quen thuộc. Họ mau chóng thích nghi với môi trường mới, nhiệm vụ mới của mình.

Chia sẻ rất thật, Kim Anh khẽ nở nụ cười: “Trong quá trình đứng chốt, chúng em cũng nhận được rất nhiều lời động viên của các cô, các bác đi đường. Có người đi qua không quên hỏi thăm: Cháu có mệt không, Cố lên cháu nhé. Những lúc như thế, mọi mệt mỏi đều tan biến mất.”

Với trung úy Lan Anh của đội Cảnh sát giao thông số 7, niềm vui, nguồn động viên để cô vượt qua khó khăn khi đứng chốt đơn giản hơn nhiều. Nữ chiến sỹ trẻ ấy vẫn nhớ không quên hình ảnh một bà mẹ đưa đón con đi học thường xuyên qua điểm chốt cô làm nhiệm vụ. Mỗi lần như thế, cháu nhỏ phía sau xe bao giờ cũng chào rất to: “Cháu chào cô cảnh sát giao thông ạ.”

“Lần nào, em cũng cười và chào lại cháu. Đây là niềm vui không phải ai cũng có được,” Lan Anh thành thật.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay: Sau 2 năm thực hiện kế hoạch về bố trí nữ cảnh sát giao thông chỉ huy điều khiển giao thông tại 25 nút giao thông trọng điểm, trong các giờ cao điểm, nữ cảnh sát giao thông của toàn lực lượng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, họ đã kiểm tra xử lý 107.807 trường hợp, tạm giữ 528 phương tiện các loại, hơn 28 nghìn bộ giấy tờ và tước giấy phép lái xe hơn 3 nghìn trường hợp.

Những "bông hồng vàng" của Cảnh sát giao thông Hà Nội ảnh 4Những bó hóa được Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội tặng cho các nữ chiến sỹ nhân ngày 8/3 (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, Ban chỉ huy Phòng PC 67 thường xuyên quan tâm, động viên về tinh thần và vật chất cho cảnh sát nữ, trang bị quần áo cho nữ cảnh sát giao thông, trang bị trang phục, khắc phục mọi khó khăn, rét buốt, mưa phùn, nắng gắt, điều kiện sinh hoạt, ăn ở để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cũng theo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, trước những thành tích mà những bông hồng vàng đã đạt được, Phòng PC67 đã chủ động đề xuất và được Giám đốc Công an thành phố tặng bằng khen và giấy khen cho 50 đồng chí nữ cảnh sát giao thông có thành tích xuất sắc nhất trong quá trình làm nhiệm vụ…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục