Những con chữ âm thầm "nảy mầm" từ các bản nghèo heo hút

Để kịp giờ lên lớp, các thầy cô giáo ở xã Mường Cai, huyện Sông Mã, Sơn La phải xuất phát từ lúc trời còn chưa sáng, vượt núi, băng rừng để gieo chữ cho các học sinh dân tộc.
Những con chữ âm thầm "nảy mầm" từ các bản nghèo heo hút ảnh 1Giờ học thể dục của các học sinh vùng cao. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Nằm cách trung tâm huyện Sông Mã (Sơn La) khoảng gần 30km, để kịp giờ lên lớp, các thầy cô giáo dạy ở xã Mường Cai phải xuất phát từ lúc trời còn chưa sáng, vượt núi, băng rừng để gieo chữ cho các học sinh dân tộc.

Vượt rừng gieo chữ

Theo chân các thầy cô giáo từ trung tâm huyện đến các điểm trường của xã Mường Cai mới thấy hết được những khó khăn vất vả của những giáo viên cắm bản. Từ khi tờ mờ sáng, trong khí hậu khắc nghiệt của miền biên giới, các giáo viên nai nịt gọn gàng, chuẩn bị sẵn sàng vượt rừng vào bản.

Trước khi đi, thầy Phạm Quang Tho, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Sông Mã, người có rất nhiều kinh nghiệm đi rừng núi, không quên dặn chúng tôi: “Hôm qua có mưa nên đường trơn lắm đấy, mọi người đi chậm thôi. Nếu ở trên xã mà mưa to thì không đi được xe đâu, phải đi bộ cả chục km mới đến được các điểm trường đấy.”

Sau những trận mưa, đường từ huyện vào trung tâm xã Mường Cai vốn đã khó đi lại càng khó khăn hơn khi mặt đường như được quét lên một lớp “mỡ,” thử thách các tay lái. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều học sinh bị ngã, quần áo, cặp sách lấm lem, đang phải dừng xe ở ven đường để cậy bùn đất dính đầy ở các bánh xe.

Đường từ huyện vào xã dài 27km nhưng chúng tôi phải mất gần 2 tiếng mới vào được đến nơi. Thấy chúng tôi quần áo lấm lem đầy bùn đất, cô hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Đào Lê Thị Dần chia sẻ: “Các nhà báo thấy được những vất vả của giáo viên ở đây rồi chứ, lên các điểm trường lẻ còn gian khổ hơn nữa.”

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình vượt rừng để tới điểm trường Phiêng Piềng, điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Trường mầm non Hoa Đào. Đường đi khó khăn đến nỗi chúng tôi không nhớ nổi đã phải leo qua mấy con dốc, vượt ​mấy con suối mới đến được bản người Mông. Chúng tôi đến nơi khi Mặt Trời đã đứng bóng. Dừng chân tại điểm trường, chúng tôi thêm hiểu về những khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản.

Điểm trường mầm non Phiêng Piềng nằm ngay ở đầu bản, gọi là điểm trường nhưng đó chỉ là những căn phòng được dựng lên bằng vài miếng ván và phên nứa rất sơ sài, không đủ sức chống lại những cơn mưa rừng và cái gió lạnh của vùng cao.

Ông Vừ A Cha, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Piềng, nói: "Bản người Mông chúng tôi có 36 hộ thì 12 hộ thuộc diện hộ nghèo, còn lại đều là hộ cận nghèo. Do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên các nông sản làm ra bán giá rất thấp. Cả bản góp công sức mới làm được phòng học tạm này nhưng còn sơ sài lắm, không đủ ấm cho các cháu."

Con chữ nảy mầm từ vùng đất khó

Điểm Trường mầm non Phiêng Piềng có 16 học sinh, các em đều là con em dân tộc có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trình độ hiểu biết hạn chế nên ngoài công việc giảng dạy, các thầy cô giáo cắm bản tại đây thường phải đi tuyên truyền vận động người dân cho con em đến lớp để bảo đảm sỹ số.

Những thầy cô giáo cắm bản đã trở thành những người con của bản làng, cùng ăn, cùng ở và cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của dân bản và nói cho bà con thấy lợi ích lâu dài của việc cho con em đến lớp.

Anh Vừ A Lềnh, người dân bản Phiêng Piềng, cho biết: "Nhờ sự tuyên truyền của các thầy cô giáo, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc đưa con em đến trường nên chúng tôi dù có khó khăn đến mấy cũng phải để các cháu đi học chứ không bắt ở nhà đi làm nương, làm rẫy như trước kia nữa."

Các điểm trường của trường Trung học cơ sở Phiêng Púng cũng giống như nhiều trường khác chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, nhất là về mùa mưa bão và mùa Đông lạnh. Những ngày thời tiết xấu, giá rét, sương mù làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Trường có 367 học sinh đều là người dân tộc. Do địa hình đồi núi xa xôi, để thuận tiện cho việc học tập của các em, trường đã bố trí 5 điểm trường lẻ tại bản.

Thầy Lưu Quốc Mạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các em học sinh rất chăm chỉ đến trường, cần cù chịu khó trong học tập. Học sinh người Mông không còn bỏ học tùy tiện nữa, người dân đã ý thức nhiều hơn trong việc giáo dục con em. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học của thầy và trò ở các điểm lẻ còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất đều là tạm bợ, chưa có đường giao thông, việc đi lại rất vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Chí Chung, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Sông Mã, cho biết do đặc thù là một huyện biên giới, giao thông cách trở nên các thầy cô tại các trường cách xa trung tâm huyện, đặc biệt là các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, nhưng bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thiếu thốn, tình nguyện ở lại nơi bản nghèo heo hút để mang cái chữ đến cho học sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục