Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Quên mình vì trách nhiệm chung

70 công nhân môi trường đang làm tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa đang làm việc hết sức mình, liên tục phải làm việc tăng ca, tăng giờ để có thể để đưa tiễn người đã khuất một cách chu đáo nhất.
Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Quên mình vì trách nhiệm chung ảnh 1Phóng viên Minh Quyết, Ban Biên tập Ảnh TTXVN, tác nghiệp trong khu cách ly phòng COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều lực lượng do yêu cầu của công việc vẫn phải "ra khỏi nhà" mỗi ngày để thực nhiệm vụ của mình.

Những công việc tuy không trực tiếp tiếp xúc với các ca bệnh như đội ngũ y bác sỹ nhưng cũng có nguy cơ rất cao. Nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều người đã mắc COVID-19 tạm ngừng việc để cách ly, điều trị… rồi sau đó tiếp tục đứng lên, cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Giữ sạch môi trường

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm lượng rác thải gia tăng đáng kể từ hoạt động sinh hoạt, phòng dịch. Rác thải sinh hoạt, rác y tế từ các bệnh viện khu vực cách ly, phong tỏa tăng nhanh gây áp lực lớn đến với hệ thống xử lý rác đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với công nhân vệ sinh môi trường làm trong lĩnh vực này.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị thành phố cho biết đơn vị đã tăng cường thu gom để không bị tồn đọng chất thải, nhất là trong khu vực phong tỏa, cách ly điều trị COVID-19; đồng thời, huy động 100% cán bộ công nhân, duy trì công tác vệ sinh môi trường từ khâu thu gom, vận chuyển đến việc xử lý rác nguy hại và thực hiện cả các phần hỏa táng cho người mất do dịch COVID-19.

Ghi nhận tại điểm thu gom rác dân lập ở phường 11, quận 3, vào buổi chiều đầu tháng Chín này, nắng lên sau cơn mưa khiến hơi nóng từ mặt đất xộc lên làm cho bộ đồ bảo hộ của chị Nguyễn Thị Hiền cùng các anh em công nhân vệ sinh môi trường lem nhem mồ hôi và nước mưa còn sót lại. Không khí nặng mùi, ngột ngạt nhưng tất cả đều cố gắng nhanh tay để kịp cho chuyến xe ép rác đang chờ ở đầu ngõ.

Chị Hiền cho biết chị ở xóm lao động nghèo ở quận 8 và làm công việc này gần 6 năm nay cũng dần quen với chuyện mưa, nắng thất thường. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều anh chị em công nhân vất vả hơn vừa phải lo phân loại 2 thùng rác (có dịch tễ và thông thường) vừa phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, rồi đối mặt với cả nguy cơ nhiễm bệnh.

[Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Nối mạch an sinh xã hội]

Do đi làm mỗi ngày, tiếp xúc thường xuyên trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, đã có trường hợp công nhân vệ sinh trở thành F0, “để tránh bị lây nhiễm, hoàn thành nhiệm vụ, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo các quy trình sát khuẩn, phòng dịch; người lao động thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y; đồng thời cần chuẩn bị tâm lý thật tốt nếu xảy ra sự cố và tham gia điều trị cho đến khi được phép đi làm trở lại,” chị Hiền chia sẻ.

Khắc nghiệt hơn, anh Trần Hữu Phúc, công nhân vệ sinh môi trường Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ lúc Thành phố giãn cách xã hội đến nay, anh đã không về nhà. “Mình không biết khi nào lây nhiễm vì công việc có nguy cơ cao, tốt nhất tự cách ly mình, chấp nhận ở lại cơ quan. Có nhớ nhà, nhớ vợ con, nhưng phải chấp nhận, chỉ gặp gỡ qua điện thoại và động viên cả nhà cố lên,” anh Phúc chia sẻ.

Công ty cũng tạo điều kiện tốt và an toàn cho công nhân yên tâm làm việc. Xác định được vai trò, ý nghĩa của việc mình làm, nên anh Phúc cùng đồng nghiệp trong đơn vị hầu hết đều tình nguyện ở lại cơ quan để tiện công tác và bảo đảm an toàn cho người thân.

Tương tự, 70 công nhân môi trường đang làm tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đang làm việc hết sức mình, liên tục phải làm việc tăng ca, tăng giờ để phát huy tối đa công suất của các lò hỏa táng. Mỗi công nhân nơi đây đã chuẩn bị tinh thần và quyết tâm làm tốt nhất khả năng có thể để đưa tiễn người đã khuất một cách chu đáo nhất.

Anh Đậu Văn Hùng, công nhân Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, cho biết đơn vị đã được tăng cường lực lượng từ các đơn vị khác đến để phân bổ ca làm 24/7; thực hiện tốt các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân và cho tập thể cơ quan đơn vị. Do tình hình dịch bệnh, nhiều anh em lo lắng, nhưng vì trách nhiệm chung nên mọi người đều cố gắng vượt qua, tất cả cùng chung một ý chí thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình…

Ông Huỳnh Minh Nhật, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải nguy hại nhưng đó là phần việc vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là vào thời điểm phức tạp, dịch bệnh như hiện nay.

Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Quên mình vì trách nhiệm chung ảnh 2 Công nhân môi trường đi vào khu vực phong tỏa làm nhiệm vụ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Việc ngày đêm bám trụ quét dọn, thu gom rác... không chỉ là công việc, trách nhiệm mà còn là mong muốn của mỗi người công nhân vệ sinh môi trường để đóng góp hiệu quả hơn vào công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp.

"Ngược dòng" vào điểm nóng

Trong khi mọi người lo sợ dịch bệnh, ngoại trừ một số người do thực hiện nhiệm vụ, có một số người “ngược dòng,” len lỏi sâu vào các hoạt động, đời sống xã hội và thậm chí cả tâm dịch. Đó là những nhà báo yêu nghề, trách nhiệm đã vượt những lo sợ để kịp thời đưa đến bạn đọc những hình ảnh thật sự “đắt giá,” hay những dòng “tin nóng” về cuộc chiến chống đại dịch giữa lòng Thành phố.

Anh Quang Liêm, Biên tập viên Báo Người Lao động cho biết, ngay từ khi dịch bùng phát, Tòa soạn đã phân công, chia ca thay phiên nhau trực để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.

Phóng viên, biên tập viên thay nhau làm, còn lại là online để duy trì thông tin xuyên suốt đến bạn đọc. “Cực nhất là nhóm phóng viên truyền hình media, phóng viên ảnh thời sự… phải luôn “đeo bám, cận chiến” với dịch. Do thường xuyên có mặt trong vùng đỏ, gần bệnh viện, F0 nên chỉ cần sơ xuất một chút là bị nhiễm,” anh Liêm chia sẻ.

Tương tự, các Cơ quan thường trú, phóng viên thuộc Văn phòng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát cũng đã hòa mình vào cuộc chiến phòng, chống dịch.

Bao vất vả, gian nan, hiểm nguy, nhưng với lòng nhiệt thành, yêu nghề, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ với tòa soạn, bạn đọc, những "người lính Thông tấn" đã dấn thân vào những điểm nóng nhất để ghi lại những thông tin, hình ảnh chân thật, xúc động, đáng trân trọng của các lực lượng tại tuyến đầu chống dịch, sự chung tay của cộng đồng, người dân trong cuộc chiến khốc liệt này với mong muốn cuộc sống "bình thường mới" sớm trở lại với thành phố này.

Chị Hồ Hằng, phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch luôn đeo mặt nạ chống giọt bắn khi tác nghiệp; cẩn trọng mặc đồ bảo hộ y tế, đeo găng tay, sát khuẩn toàn thân khi ra vào vùng đỏ.

Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Quên mình vì trách nhiệm chung ảnh 3 Phóng viên TTXVN tác nghiệp tại các khu vực phong tỏa phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Chị Hằng đã được tiêm 2 mũi vaccine; tuy nhiên với yêu cầu tác nghiệm của một phóng viên phụ trách mảng y tế, tần xuất tiếp xúc các nơi nguy cao rất nhiều nên "tai nạn" trong quá trình tác nghiệp là không thể tránh khỏi.

Chị Hằng cho biết qua test nhanh định kỳ sau một chuyến công tác, tôi phát hiện bị mắc COVID-19. Dù đã chuẩn bị tâm lý, song bản thân vẫn không khỏi bị sốc “Cũng may do biểu hiện bệnh tốt, am hiểu phác đồ điều trị, tôi được cơ quan y tế hướng dẫn tự cách ly ở nhà để theo dõi điều trị. Sau 10 ngày điều trị, tôi dần hồi phục và trở lại việc làm online tại nhà theo quy trình cách ly với công việc mình đã chọn,” chị Hằng chia sẻ.

Tương tự, chị Thái Phương, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phần nào tin vào việc đã tiêm mũi thứ 2 vaccine phòng COVID-19 và luôn thực hiện tốt các biện pháp 5K. Tuy nhiên, trong những lần lăn xả vào công việc, chị không biết mình lại mang mầm bệnh lúc nào về cho cả nhà gồm ông bà ngoại cùng hai con nhỏ.

Chị Phương cho biết ngay khi nghi người trong gia đình có triệu chứng sốt nhẹ, chị đã liên hệ ngay bệnh viện tư nhân thực hiện test nhanh cho cả nhà. Khi khẳng định bị nhiễm SARS-CoV-2, chị tự thu xếp để đưa cả nhà vào cùng điểm cách ly cho thuận tiện việc chăm sóc ông bà cùng hai con nhỏ.

“Trải qua nhiều căng thẳng và lo lắng cho từng thành viên trong gia đình nhiều lúc mình tưởng chừng gục ngã. Các cuộc gọi hỏi thăm của đồng nghiệp trong thời gian đầu mình phải từ chối để dành liên hệ với y bác sĩ, liên hệ những người thân còn bên ngoài bệnh viện dã chiến số 11,” chị Phương chia sẻ.

Vượt qua bao khó khăn, lo lắng, ngày hạnh phúc nhất của chị Phương là cùng gia đình chuẩn bị xuất viện sau thời gian điều trị và nhiều lần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

“Trải qua những ngày ở bệnh viện, mới thấy cẩn trọng ở mọi lúc, mọi nơi vẫn là trên hết; đặc biệt là khi tác nghiệp ở những nơi vùng đỏ, có ca F0 để đảm bảo an toàn cho mình, cho người thân và những người chung quanh,” chị Phương khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục