Những cột mốc về chiến dịch tìm MH370 trong 100 ngày

Đã 100 ngày kể từ khi chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích, nhưng cho đến nay các nhà chức trách vẫn chưa thu được manh mối gì về chiếc máy bay này.
Những cột mốc về chiến dịch tìm MH370 trong 100 ngày ảnh 1Binh sỹ Australia trong một cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích tại khu vực nam Ấn Độ Dương ngày 7/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đã 100 ngày kể từ khi chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, chiến dịch tìm kiếm đã bước sang giai đoạn hai (giai đoạn chuyển tiếp) tìm kiếm trong lòng đại dương.

Mọi nỗ lực vẫn liên tục được tăng cường, tuy nhiên cho đến nay, các nhà chức trách vẫn chưa thu được manh mối gì về chiếc máy bay này.

Ngày 8/3: 5 giờ 30 phút, đội tìm tiếm và cứu hộ (SAR) chiếc máy bay mất tích MH370 được thành lập, gồm có 15 máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (gồm bốn máy bay Hercules C130, một máy bay CN 235, bốn máy bay EC 725 và hai máy bay trực thăng Augusta) và chín tàu (gồm tàu của Lực lượng Hải quân Hoàng gia Malaysia - RMN và ba tàu của Cơ quan thực thi luật biển Malaysia - MMEA).

Giám đốc điều hành của MAS Ahmad Jauhari Yahya xác nhận máy bay mất tích vào 7 giờ 30 sáng. Chuyến bay có 227 hành khách mang các quốc tịch Malaysia (38), Trung Quốc (153) Indonesia (12), Australia (7), Pháp (3), Mỹ (3), New Zealand (2), Ukraine (2), Canada (2), Nga (1), Italy (1), Đài Loan (1), Hà Lan (1), Áo (1); cùng 12 thành viên phi hành đoàn.

Ngày 9/3: Tư lệnh quân đội Zulkifeli Mohd Zin cho biết chiến dịch tìm kiếm mở rộng từ Biển Đông cho tới eo biển Malacca. Một số nước gồm có Singapore, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ đã triển khai người và phương tiện hỗ trợ tìm kiếm.

Ngày 10/3: Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cam kết Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức trong chiến dịch SAR để tìm kiếm máy bay MH370.

MMEA nhận được kết quả kiểm tra hai mẫu dầu từ vết dầu loang phát hiện ngoài khơi Việt Nam, tuy nhiên đây chỉ là dầu được sử dụng trong các tàu chở hàng.

Ngày 11/3: Cảnh sát Malaysia và Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tiết lộ danh tính hai người đàn ông sử dụng hộ chiếu đánh cắp là người Iran có tên là Pouria Nour Mohammad Mehrdad (19 tuổi), và Delavar Seyed Mohammad Erza (29 tuổi); cảnh sát cũng cho rằng hai người này dường như không có liên quan đến các nhóm khủng bố. Hai người này được cho là đang cố gắng nhập cư vào châu Âu.

Ngày 12/3: Quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Tun Hussein đã làm sáng tỏ một số vấn đề về khả năng chiếc máy bay MH370 đã bay qua eo biển Malacca; hợp tác của các chuyên gia hàng không dân dụng nước ngoài; lý lịch của các hành khách trên chuyến bay MH370.

Ngày 13/3: Bộ trưởng Hishammuddin bác bỏ tuyên bố về việc máy bay mất tích đã bay thêm khoảng 4 giờ sau khi biến mất khỏi hệ thống theo dõi.

Người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết không có bằng chứng nào về những vật thể nổi tại Biển Đông được chụp từ các vệ tinh của Trung Quốc có liên quan tới chiếc máy bay mất tích của MAS, và cho biết việc công bố những bức ảnh này của là một "sự cố."

Ngày 14/3: Nỗ lực tìm kiếm được mở rộng và tiến về phía Tây bán đảo Malaysia tại Ấn Độ Dương. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ USS Kidd đến khu vực Tây Bắc eo biển Malacca hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Bộ trưởng Hishammuddin cho biết, nhà chức trách Malaysia đang xem xét bốn đến năm khả năng về việc hệ thống truyền phát tín hiệu trên máy bay mất tích có thể bị tắt.

Ngày 15/3: Thủ tướng Malaysia tuyên bố ông không thể khẳng định việc máy bay bị không tặc và vẫn giữ quan điểm điều tra mọi khả năng liên quan đến việc mất tích của chiếc máy bay này.

Ông Najib cũng tuyên bố dừng chiến dịch tìm kiếm trên Biển Đông và cho biết nhiệm vụ của SAR đã bước vào giai đoạn mới với việc tìm kiếm tại hai vành đai Bắc và Nam. Có tổng cộng 26 nước tham gia tìm kiếm và cứu hộ. Australia và Indonesia chỉ đạo hoạt động tìm kiếm trong khu vực của mình.

Cũng trong ngày 15/3, cảnh sát tiến hành khám nhà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid.

Ngày 16/3: Tổng Thanh tra Cảnh sát Khalid Abu Bakar cho biết, chiếc máy bay mất tích MH370 được điều tra theo điều khoản 130 (C) luật hình sự về tội không tặc, khủng bố, và phá hoại; Đạo luật Tội phạm An ninh 2012 và Đạo luật Hàng không 2003. Cảnh sát đã thu giữ mô hình buồng lái tại nhà cơ trưởng chuyến bay MH370.

Ngày 17/3: Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR gồm 26 quốc gia tham gia đã bắt đầu tìm kiếm tại hai vành đai Bắc và Nam. Bộ trưởng Quốc phòng cam kết xem lại hệ thống radar của Malaysia sau khi chiến dịch SAR kết thúc.

Ngày 18/3: Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR đã tìm kiếm trên diện tích khoảng 2,24 triệu dặm vuông trên cả hai vành đai Bắc và Nam.

Ông cho biết, chiến dịch tập trung vào bốn nhiệm vụ: thu thập các thông tin từ vệ tinh theo dõi, phân tích các dữ liệu radar, tăng cường các phương tiện tìm kiếm trên không, trên biển và trên đất liền, và tăng cường các chuyên gia kỹ thuật và các chuyên gia chuyên ngành.

Ngày 19/3: Bộ trưởng Hishammuddin bác bỏ thông tin rằng máy bay mất tích của Malaysia được nhìn thấy bay ở độ cao thấp qua Maldives.

Ngày 20/3: Thủ tướng Australia Tony Abbot gọi điện cho Thủ tướng Malaysia vào lúc 10 giờ sáng cho biết, phát hiện hai vật có thể liên quan đến chiếc máy bay MH370 tại Nam Ấn Độ Dương, cách Perth 2.500km về phía Tây.

Ông Hishammuddin cho biết chiến dịch SAR vẫn tiếp tục đến chừng nào những vật được Australia phát hiện được kiểm chứng.

Ngày 24/3: Thủ tướng Najib Razak, trong một cuộc họp báo khẩn cấp, đã thông báo rằng dựa theo dữ liệu mới nhất của một công ty vệ tinh của Anh, chuyến bay MH370 đã kết thúc hành trình ở Nam Ấn Độ Dương.

Ngày 28/3: Australia thông báo rằng khu vực tìm kiếm đã dịch chuyển về phía Đông Bắc 1.100km sau khi manh mối ''đáng tin cậy'' từ dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay đã bay với tốc độ nhanh hơn theo suy đoán trước đây trước khi lao xuống biển.

Ngày 30/3: Cơ quan an toàn hàng hải Australia cho biết các vật thể do tàu HMAS Success và tàu Haixun 01 thu được đã qua kiểm chứng và không liên quan tới MH370.

Gia đình thân nhân hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay yêu cầu Chính phủ Malaysia đưa ra bằng chứng rằng máy bay đã kết thúc hành trình ở Ấn Độ Dương.

Ngày 31/3: Quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin cho biết liên lạc cuối cùng giữa nhân viên kiểm soát không lưu và buồng lái là lúc 1 giờ 19 sáng sớm ngày 8/3 giờ Malaysia và phi công nói "Chúc ngủ ngon Malaysia 370."

Ngày 2-3/4: Thủ tướng Najib đến thành phố Perth, bang Tây Australia, trong hai ngày để thị sát chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia về MH370.

Ngày 5/4: Tàu tuần tra Haixun 01 của Trung Quốc phát hiện tín hiệu xung động tần số 37,5 KHz ở phía nam Ấn Độ Dương. Tín hiệu có thể là từ hộp đen của chiếc máy bay mất tích.

Ngày 6/4: Tàu Ocean Shield của Australia đã phát hiện một tín hiệu xung động khác ở Nam Ấn Độ Dương, cách tín hiệu tàu Haixun 01 phát hiện khoảng 300 hải lý.

Ngày 8/4: Tàu Ocean Shield phát hiện thêm hai tín hiệu dưới nước, làm dấy lên hy vọng có thể sớm tìm thấy mảnh vỡ của máy bay.

Ngày 10/4: Một máy bay của Australia phát hiện dấu hiệu có thể liên quan đến MH370 trong vùng của tàu Ocean Shield. Chiến dịch tìm kiếm tập trung vào khu vực 57.000km2 ở Nam Ấn Độ Dương.

Ngày 14/4: Trung tâm điều phối cơ quan chung (JACC) kết thúc việc sử dụng thiết bị định vị ''ping'", trong khi thiết bị tìm kiếm dưới nước Bluefin-21 được triển khai để tìm kiếm MH370 ở độ sâu tới 4.500m.

Ngày 25/4: JACC tuyên bố thiết bị tự hành dưới nước Bluefin-21 đã hoàn thành 95% nhiệm vụ quét đáy đại dương.

Ngày 29/4: Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố rằng cơ hội tìm kiếm các mảnh vỡ là khó có thể. Giai đoạn tìm kiếm mới chuyển sang tìm kiếm dưới lòng đại dương, sử dụng các thiết bị có thể lùng sục dưới đáy biển.

Ngày 1/5: Bộ Giao thông Malaysia công bố báo cáo sơ bộ về MH370, trong đó có cả danh sách hàng hóa và thu âm liên lạc giữa buồng lái và trạm kiểm soát lưu không Kuala Lumpur. Một báo cáo của Malaysia nói rằng phải mất 17 phút mới phát hiện máy bay mất tích khỏi màn hình radar.

Ngày 27/5: Malaysia công bố dữ liệu vệ tinh thô được sử dụng để tính toán khu vực tìm kiếm.

Ngày 29/5: Cuộc tìm kiếm dưới nước tạm ngừng cho đến tháng 8/2014.

Ngày 3/6: Một phụ nữ người Anh, vốn du thuyền gần Indonesia trong thời gian MH370 mất tích, nói rằng đã nhìn thấy chiếc máy bay bốc cháy và đám khói trước khi nó lao xuống Nam Ấn Độ Dương.

Ngày 4/6: Cơ quan an toàn Giao thông Australia mở thầu cho công tác tìm kiếm MH370 sâu trong lòng đại dương, bắt đầu từ tháng 8/2014. Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Curtin (Australia) kiểm tra tín hiệu âm thanh dưới nước tấn số thấp cho thấy không liên quan đến MH370.

Ngày 8/6: Các thân nhân hành khách mở chiến dịch gây quỹ để tìm thông tin về MH370. Các nhà sáng lập quỹ hy vọng đến ngày 8/7 sẽ thu được 5 triệu USD.

Ngày 9/6: Malaysia đã chi gần 9 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm MH370.

Ngày 10/6: Cơ quan An toàn giao thông Australia đã ký hợp đồng với Công ty khảo sát Fugro của Hà Lan để tiến hành khảo sát địa hình đáy biển trong khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370.

Trung tâm điều phối hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 cho biết, việc khảo sát địa hình đáy biển sẽ cung cấp bản đồ chi tiết về khu vực tìm kiếm dưới biển, độ sâu và nhiều thông tin quan trọng khác. Khi các thông tin đã được làm rõ, việc tìm kiếm máy bay MH370 dự kiến sẽ được tiếp tục vào tháng Tám./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục