Những điều còn ít biết về bức tượng vàng Oscar

Bức tượng nổi tiếng này được tạo ra vào năm 1929, tức hai năm sau khi Viện Hàn lâm ra đời, bởi lãnh đạo của studio MGM, ông Louis Mayer.
Chỉ cao có 13,5 cm và nặng 3,85kg, nhưng tượng vàng Oscar đã được xem là “chén thánh” của Hollywood. Và trong buổi lễ trao giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ được tổ chức vào sáng mai theo giờ Việt Nam, những bức tượng vàng Oscar sẽ tìm được chủ nhân xứng đáng cho những đóng góp cho nghệ thuật thứ 7 trong năm qua.

Bức tượng nổi tiếng này được tạo ra vào năm 1929 (tức hai năm sau khi Viện Hàn ra đời), bởi lãnh đạo của studio Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), ông Louis Mayer.

Ý tưởng tới từ giám đốc nghệ thuật MGM, Cedric Gibbons và nghệ sĩ người Los Angeles George Stanley đã tạo ra các đường nét đầu tiên về bức tượng - một hiệp sĩ đứng trên một đoạn phim, tay nắm chặt lấy thanh kiếm thập tự chinh.

[Các bức tượng vàng Oscar vẫn được làm thủ công]

Dù chỉ có 24 bức tượng được trao tại lễ trao giải Oscar, song Viện Hàn lâm luôn có thêm các bức tượng dự trữ khác, để đề phòng tình huống có nhiều người chia sẻ chung 1 giải.

Dưới đáy của mỗi bức tượng Oscar là một số xêri riêng, cùng với một dòng nhắc nhở rằng chủ nhân của bức tượng không được bán, trao tặng hay chuyển nhượng lại nó cho bất kỳ ai ngoài Viện Hàn lâm.

Viện Hàn lâm giữ quyền mua lại các bức tượng này với giá 10 USD và từng thắng cuộc chiến pháp lý hồi năm 2008, khi con cái của minh tinh Mary Pickford muốn bán giải thưởng danh giá này.

Mặc dù vậy, vẫn có những bức tượng Oscar được bán trót lọt. Năm 1993, một bức tượng Oscar do diễn viên Joan Crawford giành được hồi năm 1945 cho vai diễn của bà trong phim "Mildred Pierce" đã được bán đấu giá và thu về số tiền 68.500 USD. Tháng 12 năm ngoái, bức tượng được trao cho Orson Welles vì thủ vai chính trong phim kinh điển "Citizen Kane," đã được bán với giá 861.000 USD.

Ban đầu, những bức tượng Oscar được làm từ đồng đặc mạ vàng. Nhưng sau vài năm, người ta đã sử dụng kim loại britannia thay thế. Đây là một loại hợp kim thiếc, được phủ ngoài bằng đồng, nickel và bạc trước khi tới một lớp vàng 24 karat.

Do khan hiếm kim loại trong Thế chiến thứ 2, trong khoảng 3 năm, tượng Oscar đã được làm từ thạch cao sơn vàng. Những người nhận các bức tượng này sau đó đã được Viện Hàn lâm tới đổi tượng kim loại khi chiến tranh kết thúc. Từ năm 1982, tượng do công ty RS Owens ở Chicago sản xuất, với chi phí 18.000 USD mỗi bức tượng.

Vậy cái tên tượng Oscar từ đâu tới?

Ban đầu các bức tượng này có tên chính thức là Giải thưởng của Viện Hàn lâm, nhưng có tin một giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm là Margaret Herrick từng đánh giá các bức tượng rất giống chú của bà tên là Oscar. Vì thế mà tượng được gọi là Oscar.

Viện Hàn lâm không dùng biệt danh này cho tới tận năm 1939. Nhưng từ năm 1934, một nhà báo chuyên viết về Hollywood là Sidney Skolsky đã dùng từ "tượng vàng Oscar" khi nhắc tới giải thưởng trao cho nữ diễn viên Katharine Hepburn, khi bà giành danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất./.
 
Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục