Những dự án của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam và khu vực

Theo ông Eric-Normand Thibeault, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tại Việt Nam và Lào, việc đào tạo tiếng Pháp vẫn được duy trì và tại Thái Lan, số người học tiếng Pháp có xu hướng tăng lên.
Những dự án của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam và khu vực ảnh 1Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Eric-Normand Thibeault trao giải Nhất cho cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ năm 2016 cho thí sinh Vương Bạch Liên. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3), ông Eric-Normand Thibeault, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những dự án của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam và trong khu vực.


- Xin ông cho biết vai trò và sự phát triển của cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương?

- Ông Eric-Normand Thibeault: Cộng đồng Pháp ngữ là một đại gia đình tập hợp hơn 80 Nhà nước và chính phủ trên khắp thế giới. Phần lớn các nước Pháp ngữ tập trung ở châu Phi, Trung Âu và Đông Âu, châu Mỹ và Ấn Độ Dương, trong đó có Madagascar, nơi vừa diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ vào tháng 11/2016.

Cộng đồng Pháp ngữ được thành lập vào năm 1970 và từ đó đã phát triển ở nhiều nước như Việt Nam, Vanuatu, Lào và Campuchia. Cộng đồng Pháp ngữ cũng đồng ý kết nạp Hàn Quốc trở thành quan sát viên và New Caledonia với vai trò là chính phủ liên kết.

Từ năm 2008, Thái Lan trở thành quan sát viên trong cộng đồng Pháp ngữ. Cộng đồng Pháp ngữ là cộng đồng lớn, đa dạng trong đó các Nhà nước và chính phủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ các giá trị đoàn kết, hòa bình và đối thoại giữa các nền văn hóa và thúc đẩy đa ngôn ngữ.

- Xin ông cho một vài đánh giá về sự phát triển của tiếng Pháp tại Đông Nam Á hiện nay?

- Ông Eric-Normand Thibeault: Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực của toàn bộ đội ngũ của Trung tâm giáo dục và đào tạo khu vực, thông qua hệ thống giảng dạy tiếng Pháp do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ triển khai, một lượng lớn học sinh tiểu học và trung học cơ sở được đào tạo thường xuyên tiếng Pháp tại Campuchia.

Tại Việt Nam và Lào, việc đào tạo tiếng Pháp vẫn được duy trì và tại Thái Lan, số người học tiếng Pháp có xu hướng tăng lên.

- Ông hãy chia sẻ đôi điều về những dự án hoặc chương trình mới của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay và những năm tiếp theo?

- Ông Eric-Normand Thibe: Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đang triển khai một chương trình tổng thể bốn năm đã được các nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng phê chuẩn. Chương trình này bắt đầu từ năm 2015 và sẽ tiếp tục đến năm 2018. Có tổng cộng 16 chương trình, trong đó có chương trình hỗ trợ việc giảng dạy tiếng pháp, hỗ trợ công nghiệp văn hóa, nỗ lực của cộng đồng Pháp ngữ cùng chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chúng tôi cũng hỗ trợ các hoạt động báo chí tại các nước khu vực phía Nam, trong đó có báo Le Courier du Vietnam và các phương tiện truyền thông khác. Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cũng góp phần vào việc nâng cao năng lực cho các nhà ngoại giao để họ giao tiếp và đàm phán tốt hơn bằng tiếng Pháp. Thanh niên là hạt nhân trong các hoạt động của chúng tôi và tất nhiên, thông qua Trung tâm giáo dục và đào tạo khu vực, chúng tôi ủng hộ việc tăng cường năng lực cho giáo viên tiếng Pháp, cũng như các chuyên gia sư phạm và giáo dục.

Một điều quan trọng cần thúc đẩy đó là cải tiến phương pháp giảng dạy cho các giáo viên trẻ tiếng Pháp, giúp họ đổi mới các giờ lên lớp bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhờ kết nối Internet vì thanh niên là những người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ mới. Họ không chỉ học hỏi, tự đào tạo qua mạng, mà còn tìm kiếm các nguồn tài nguyên miễn phí cho việc giảng dạy trên Internet; lưu trữ hình ảnh, âm thanh, các tập tin bài giảng, nhất là qua TV5 Monde. Kênh này có các chương trình như "7 ngày trên hành tinh," "Tôi dạy và học với TV5 Monde."

Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số là một công cụ quan trọng và tôi đánh giá cao êkíp thực hiện chuyên mục truyền hình "Espace fracophone" (Không gian Pháp ngữ) của báo Le Courrier du Việt Nam được phát trên kênh truyền hình VNews của Thông tấn xã Việt Nam. Chuyên mục này đã góp phần quảng bá tiếng Pháp thông qua phương tiện kỹ thuật số.

- Tổ chức quốc tế Pháp ngữ quyết định tiếp tục đồng hành cùng báo Le Courrier du Vietnam trong việc tổ chức cuộc thi "Phóng viên trẻ Pháp ngữ 2017." Xin ông cho biết lý do và phương thức hỗ trợ?

- Ông Eric-Normand Thibe: Tiếng Pháp góp phần thúc đẩy đa ngôn ngữ. Việc học các ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Việc sử dụng và thực hành tiếng Pháp có thể được thể hiện thông qua viết văn, viết blog, các phương tiện giải trí, trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram. Giới trẻ yêu thích điều đó.

Báo Le Courrier du Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, đã tổ chức thành công cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ” lần thứ nhất năm 2016. Qua cuộc thi này, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều tài năng trẻ và năm nay, chúng tôi muốn tiếp tục tổ chức cuộc thi này cùng với Le Courier của Việt Nam để tôn vinh cộng đồng Pháp ngữ.

Năm 2016, các thí sinh dự thi không chỉ ở Hà Nội mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước như Cần Thơ, Vinh (tỉnh Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế (Thừa Thiên-Huế).

Ban tổ chức cuộc thi cũng nhận được những bất ngờ ngoài dự kiến như bài dự thi của một chiến sỹ biên phòng trẻ, người đã đoạt giải “Thí sinh ấn tượng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục