Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta

Những hình ảnh được gửi về từ tàu vũ trụ Rosetta đã mang tới những góc nhìn chưa từng có về bề mặt sao chổi.
Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 1Phát hiện một tảng đá bí ẩn hình kim tự tháp đã từng được ESA phát hiện trước đó, nằm ở ngay phía trên trung tâm bức ảnh. 

Những hình ảnh được gửi về từ tàu vũ trụ Rosetta đã mang tới những góc nhìn chưa từng có về bề mặt sao chổi. Có thể phát hiện một số lượng đáng kinh ngạc những chi tiết trên sao chổi, bao gồm những tảng đá trên bề mặt và lớp bụi ở những vùng bằng phẳng.

Những bức ảnh này được thực hiện từ khoảng cách 9,8 km tính từ trung tâm sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và được gửi về ngay trước khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chuẩn bị cho lần hạ cánh thử một tàu thăm dò trên bề mặt sao chổi, sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa.

Tỷ lệ của 4 bức ảnh là vào khoảng 66 cm cho mỗi pixel. Tính tổng thể, các bức ảnh đã bao quát khoảng từ 1.200-1.350m của bề mặt sao chổi.

ESA cũng cho biết thêm rằng độ sáng của những bức ảnh có thể khiến người xem nhầm tưởng, bởi trên thực tế, bề mặt sao chổi còn tối hơn than đá. Để có thể trông rõ những chi tiết, các bức ảnh đã được lọc bỏ màu sắc và tăng độ tương phản, khiến chúng có vẻ sáng sủa hơn.

“Những chi tiết chưa từng được ghi lại rõ ràng trước đây bao gồm hai tảng đá ngay phía dưới trung tâm của bức ảnh,” biên tập viên Emily Baldwin của Space Science viết trong bài đăng blog của ESA. Ngoài ra, còn có thể phát hiện một tảng đá bí ẩn hình kim tự tháp đã từng được ESA phát hiện trước đó, nằm ở ngay phía trên trung tâm bức ảnh.

Với chiều cao khoảng 25m, cấu trúc đá này là một trong những tảng đá lớn nhất được phát hiện trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. ESA đặt tên cho cấu trúc này là Cheops, theo tên của đại kim tự tháp lớn nhất trong số các kim tự tháp nổi tiếng tại Giza, gần Cairo, Ai Cập. Cấu trúc đá này sẽ giúp cho các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của sao chổi.

Tàu Rosetta đã dành 10 năm theo đuổi quỹ đạo của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và hiện đang ngày càng tiến gần hơn tới bề mặt của nó.

Tháng trước, các nhà khoa học đã chọn một khu vực có chiều rộng khoảng 4 km làm nơi hạ cánh cho tàu thăm dò Philae của Rosetta. Lần hạ cánh này sẽ được thực hiện vào ngày 12/11, và nếu suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên con người hạ cánh thành công một tàu thăm dò trên bề mặt một sao chổi.

Các nhà khoa học thuộc trung tâm điều khiển tại Đức hy vọng rằng tàu thăm dò sẽ gửi về những dữ liệu giúp giải thích nguồn gốc của nước và thậm chí là sự sống trên Trái Đất.

Những hình ảnh được gửi về từ tàu Rosetta.

Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 2
Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 3
Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 4
Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 5
Những hình ảnh mới nhất về sao chổi 67P/C-G từ tàu Rosetta ảnh 6
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục