Những kỷ niệm của tướng Sơn với tướng Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ “Tôi và anh Sơn có nhiều kỷ niệm, anh là người có phong cách rất đặc biệt, rất Nguyễn Sơn..."
Trung tá Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Những năm sau này, công việc mà tôi say mê và dùng hết thời gian tâm trí vào là sưu tầm tư liệu, nghiên cứu về cuộc đời của cha mình. Nhưng, như bác Giáp đã nhận xét, bởi cha tôi có phong cách rất riêng, được rất nhiều người quý mến nên để làm được việc này tôi đã có rất nhiều rất nhiều người giúp đỡ rất vô tư, chân thành và hết sức mình. Tôi biết ơn vô cùng những người đã giúp tôi trọn nghĩa đạo làm con.”

Tướng Giáp: Anh Sơn có một Phong cách riêng - rất Nguyễn Sơn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu trong buổi kỷ niệm 85 năm ngày sinh của tướng Nguyễn Sơn, ngày 31/12/1993: “Tôi và anh Sơn có nhiều kỷ niệm trong những ngày cách mạng mới thành công, rồi trong những ngày cuối đời anh về nước.”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Anh Sơn chẳng những có tài về quân sự mà còn có khả năng về chính trị, về tuyên truyền, về văn nghệ. Anh lại có phong cách riêng- rất là Nguyễn Sơn. Ví dụ: làm chủ hôn mà bắt cô dâu, chú rể phải làm thơ thì chỉ có anh Sơn thôi!”

Đại tướng đã đánh giá chung về tướng Nguyễn Sơn: “Một người chiến hữu thân thiết và rất mực chân thành, suốt đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của nước ta và nước bạn.”

Bác ơi, anh Sơn mất rồi...

Chị Hà có viết trong nhật ký “Làm con” của mình: “Sáng ngày 21/10/1956 các chú đưa cả năm chị em vào thăm bố, trên đường vào viện các chú hẹn thăm bố xong sẽ cho đi chơi Bờ Hồ nhưng bố bảo: "đưa ngay chúng nó về, nhìn thấy chúng nó lít nhít thế này đau lòng quá.”

Chị kể: “Mẹ tôi bảo các chú cho về nhà. Thế là chị Lâm dắt mình đi chơi vì chị rất thạo đường phố Hà nội. Hôm ấy tại Bờ Hồ có thi đua thuyền, người rất đông, tôi thì lần đầu tiên được thấy Bờ Hồ nên cứ đi theo chị Lâm.”

Chị vẫn nhớ ký ức buồn: “ Chiều muộn về đến phố Lý Nam Đế gần đến số nhà 91 thì phải, cô bảo mẫu nhìn thấy bọn mình vội nói: Về ngay bố các cháu mất rồi!

Khi tổ chức tang lễ, tôi còn nhớ, Bác Hồ đến, mẹ tôi chạy ra ôm lấy Bác và khóc nói: "Bác ơi anh Sơn mất rồi. "Các đoàn người đến viếng nhiều lắm, bọn trẻ con chẳng biết gì chạy chơi lung tung trong CLB quân đội, nhất là khu vực bể bơi.”

“Mãi đến khi hạ huyệt tôi mới chạy đến bên mẹ và khóc vì để bố nằm dưới đất thế này thì từ đó trở đi bố không thể về để gọi: con Hà gà tồ, thằng Cương chúa phá, con Hồng mắm tôm, con Hằng út ít (tên của bố Sơn đặt cho mấy chị em) được nữa rồi. Vì thế tôi mới khóc,” chị Thanh Hà giải thích về việc “bé Hà” 7 tuổi, khóc cha muộn.

Đó là những ký ức tuổi thơ mà đến sau này, sau hành trình hơn nửa thế kỷ trải nghiệm, chị Hà mới càng thấm thía tình cha nghĩa mẹ.

Chị được sinh thành, nuôi nấng và sáng soi trong những lời dạy của người mẹ: “Con Bố Sơn thì phải thế này, con bố Sơn thì không được thế kia”… Và từ đó, lòng yêu của “con gái tướng quân” đã đi từ bến bờ ngây thơ qua trải nghiệm, đến miền lắng đọng, nên thực sâu đằm, nồng đượm.

Theo dấu chân người cha

Trung tá Nguyễn Thanh Hà không giấu niềm tự hào khi nói rằng chị là đứa con may mắn trong 8 người con của tướng Nguyễn Sơn, vì được sống cùng cha nhiều nhất, cho dù khi cha qua đời, chị mới 7 tuổi.

Chị tự hào vì cha mình là một vị tướng có công với nước và được nhiều người yêu kính. Nhưng chị cũng tiếc lắm vì khi chị còn trẻ, còn nhiều cơ hội kiếm tìm thông tin về cha thì chị chưa biết quý hóa mỗi cơ hội ấy.

Chị bảo: Mấy chục năm trước, bao nhiêu nhân chứng sống đang còn khỏe mạnh thì mình lại bận công tác, không tìm hiểu, khai thác. Đến khi tìm thông tin về cha thì các chú đã già rồi, nhiều chú đã qua đời. Đến nay có ai còn, thì cũng yếu lắm vì ngoài 90 tuổi cả rồi.

Hai mươi năm nay, theo dấu chân cha của mình, chị Hà và những người thân trong gia đình đã tìm về những nơi mà tướng Nguyễn Sơn đã sống hoạt động và công tác những năm nào.

Tướng Nguyễn Sơn cùng gia đình


Theo chị Hà, những người đầu tiên chị muốn nhắc đến là chú Đại tá - Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan và giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, các chú đã sưu tầm được nhiều tài liệu quí giá về bố tôi, đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, làm nguyên chục cuốn sách về tướng Nguyễn Sơn. Chú Nguyễn Văn Khoan nhiều năm công tác tại Cục Chính trị của Binh chủng Thông tin Liên lạc, nhà đông con không khá giả gì mà chú giúp tôi vô tư nhiệt tình, đầy sức thuyết phục.

Bên cạnh đó còn có các chú nguyên học sinh trường "Lục quân Quảng Ngãi", các chú các anh trường "Thiếu sinh quân Liên khu 4". Họ rất nhớ và luôn tri ân thầy hiệu trưởng của họ mặc dù họ đã trở thành ủy viên ban chấp hành, ủy viên trung ương, các tướng lĩnh, Bộ- Thứ trưởng, các giáo sư tiến sĩ, các nhà khoa học, anh hùng quân đội, anh hùng lao động...Như chú Trần Hồng Lạc nguyên học sinh trường Thiếu sinh quân khu 4 đã tận tình với thầy, với gia đình thầy đến hơi thở cuối của cuộc đời. Còn có chú Cao Bá Sanh nguyên là học sinh "Lục quân Quảng Ngãi" rồi làm trưởng ban Tác chiến của Liên khu 4 thời bố tôi là Tư lệnh. Một trong những nguyện vọng cuối đời của chú là: "Làm cho mọi người hiểu đúng về con người tướng Nguyễn Sơn".

Tết mới đây, mấy chị em tôi tới thăm chú Sanh vì chú vừa bị tai biến mạch máu não, chú đã cầm tay chị em mình khóc và chỉ vào đầu giường của chú có quyển sách ảnh của bố tôi: “Chú rất nhớ bố cháu. Thật thân, thật thương, thật quí.

Chị tâm sự: “Không hiểu sao bố tôi sống cùng mọi người chỉ khoảng 1-2 năm thôi nhưng tới 50- 60 năm sau, người ta vẫn nhắc. Vẫn yêu ông cụ lắm. Khi tôi mang cuốn sách tập hợp những bài viết về bố đến tặng. Có chú trên 90 tuổi, mắt đỏ hoe, cầm luôn cuốn sách lên hôn...”/.

Bài 1: Chuyện chưa biết về “Lưỡng quốc tướng quân”

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục