Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90

Phấn Bông lúa hoặc Con én, son gió, kem sâm, xà bông Cô Ba... là những món mỹ phẩm "kinh điển" của phái đẹp Việt Nam trong thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước.
Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 1Những mỹ nhân Sài Gòn xưa.

Với phụ nữ ngày nay, thật đơn giản để mua mỹ phẩm tại bất cứ siêu thị hay cửa hàng nào. Tuy nhiên, vài chục năm trước, việc làm đẹp không dễ dàng như vậy.

Thế giới mỹ phẩm thập niên 80-90 của thế kỷ trước vô cùng khiêm tốn và các món đồ làm đẹp “kinh điển” thời kỳ đó đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với nhiều người.

Xà bông Cô Ba

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 2

Sản phẩm này gắn liền với tên tuổi doanh nhân Trương Văn Bền. Ông là người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm thuần Việt đầu tiên vào năm 1932 khi thị trường và công nghệ sản xuất đều do Pháp nắm giữ.

Hình ảnh “Cô Ba” chính là người vợ mà ông thương yêu hết mực với nét đẹp cổ điển của phụ nữ Việt: tóc đen dài búi cao, khuôn mặt phúc hậu, chuỗi vòng nổi bật trên nền áo dài truyền thống.

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 3

Cho đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn chiếm lĩnh thị trường xà bông trên mọi miền đất nước. Trải qua không ít thăng trầm, ngày nay, những bánh xà bông thơm với màu xanh ngọc giản dị đã không còn được ưa chuộng như xưa.

Tuy nhiên, với nhiều người Việt Nam, đây vẫn là sản phẩm gợi nhắc những hoài niệm xưa cũ.

Son gió

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 4

Thời bao cấp, các sản phẩm trang điểm không phong phú như bây giờ. Điển hình là son, các cô gái chỉ có một lựa phổ biến nhất là son gió từ Thái Lan hoặc Trung Quốc với vỏ nhựa màu cam hoặc xanh lá lẫn sọc đen.

Đúng như tên gọi, sản phẩm phải tiếp xúc với gió mới lên màu. Các cô gái dùng chúng để thoa lên môi và kết hợp làm má hồng.

Nhược điểm của son gió là không thể điều chỉnh được độ đậm nhạt vì chúng không có màu ngay khi thoa. Chính vì thế, việc lỡ tay tô son quá đà đã khiến không ít cô gái lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 5

Hiện nay, son gió vẫn được ưa chuộng nhưng bao bì, thiết kế đã hiện đại hơn xưa nhờ sự góp mặt của các thương hiệu từ Mỹ, Hàn Quốc.

Kem sâm

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 6

Nếu như son chỉ có một loại thì kem nền cũng không hơn. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phụ nữ thường trang điểm bằng sản phẩm nền duy nhất là kem sâm.

Loại kem này mang lại làn da trắng mịn tức thời và hiệu ứng ráo mịn suốt nhiều giờ liền nên người dùng có thể thoa mà không cần đến phấn phủ.

Dù có nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng kem sâm có điểm chung là chất kem đặc màu vàng nhạt, đựng trong hộp nhựa cứng bằng lòng bàn tay.

Một số phụ nữ còn dùng chúng như kem dưỡng ban ngày, có thể coi kem sâm là “BB cream thời bao cấp”. Hiện nay, sản phẩm này được bán với giá chỉ vài ngàn đồng và vẫn được nhiều người yêu thích.

Phấn Bông lúa, Con én

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 7

Cũng có xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc, đây là hai loại phấn phủ mà phái đẹp những năm 70, 80 ước ao sở hữu. Phấn Bông lúa có vỏ nhựa nắp xoay màu trắng với họa tiết in nổi màu vàng. Trong khi đó, bao bì của phấn Con én cao cấp hơn một chút với hộp có nắp gập màu đỏ đun khá chắc chắn và gương soi bên trong.

Các sản phẩm phấn phủ này đặc biệt bám rất lâu nếu kết hợp cùng kem sâm. Tuy nhiên, do tông màu hạn chế nên chúng khiến gương mặt người dùng trắng hơn hẳn da thật.

Hiện nay, bạn vẫn có thể tìm mua phấn Bông lúa, phấn Con én với giá khoảng 20.000-25.000VND dù chúng không còn phổ biến trên thị trường.

Sáp nẻ Nga

Những mỹ phẩm "kinh điển" của phụ nữ Việt trong thập niên 80-90 ảnh 8

Cách đây vài chục năm, dưỡng da là khái niệm vô cùng xa lạ. Không có sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt, tinh chất…, phụ nữ lúc đó chỉ sử dụng loại sáp đặc đựng trong hộp thiếc của Nga để chữa nẻ vào mùa Đông khô hanh. Đây được xem là món quà vô cùng quý giá, thậm chí phải nhờ những người Việt học tập, làm việc tại Nga mua giúp./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục