Những người gieo con chữ nảy mầm nơi vùng cao heo hút

Dù còn khó khăn thiếu thốn mọi bề, các thầy cô giáo ở xóm Phia Cò, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, ươm cho những con chữ đang nảy mầm ở vùng cao.
Những người gieo con chữ nảy mầm nơi vùng cao heo hút ảnh 1Sân chơi của học sinh là lối đi cạnh lớp học. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Một ngày giữa tháng 11, từ thành phố Cao Bằng, vượt hơn 200km chúng tôi về điểm trường Phia Cò ở xóm Phia Cò, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây - trên đỉnh núi quanh năm heo hút chỉ có gió và mây, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của hai từ "cống hiến" trong cả suy nghĩ và việc làm của những thầy cô giáo cắm bản.

Dù còn khó khăn thiếu thốn mọi bề, họ vẫn ngày đêm bám lớp, bám trường, ươm cho những con chữ đang nảy mầm ở vùng cao.

Từ trung tâm xã Nam Cao lên Phia Cò chừng 15 km nhưng xe ôtô chỉ đi được 10 km, còn 5 km vào xóm là con đường nhỏ độc đạo, dốc đá cheo leo uốn theo triền núi với một bên là vực sâu thăm thẳm.

Chúng tôi mỗi người một xe máy, cứ chạy số 2 được một đoạn lại về số 1 ì ạch leo qua mọi con dốc. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được phân trường Phia Cò sau hơn một giờ đồng hồ.

Phia Cò là xóm người Mông gặp nhiều khó khăn nhất tại xã Nam Cao. Do địa hình rộng, ngăn cách bởi núi non nên ở Phia Cò có hai điểm trường. Nơi chúng tôi đến là điểm trường Phia Cò 2. Điểm trường có 3 dãy nhà tạm được làm từ ván ghép, mái proximăng với 4 lớp học, phòng ở của 7 giáo viên “cắm bản” được làm liền kề với các dãy lớp học. Các thầy cô giáo đến đây từ nhiều vùng quê, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thấy chúng tôi đến, cô giáo dạy lớp mầm non Trương Thị Kiểu ngạc nhiên: "Đường đi khó như vậy mà các anh cũng dám vào. Trước đây lên Phia Cò mới chỉ là đường mòn đi bộ. Đầu năm 2016, xã huy động đoàn thanh niên và nhân dân mở đường, xe máy mới đi được."

Cô giáo Trương Thị Kiểu, sinh năm 1990, vào công tác tại điểm trường từ đầu năm 2015. Cô chia sẻ khi mới vào đây công tác, con trai mới tròn 10 tháng tuổi, cô phải gửi lại để ông bà nội chăm.

Cô Kiểu còn phải xuống nhà dân xin ván gỗ về làm giường, ra xã xin bạt, báo về dán để che vách phòng ở. Chồng của cô giáo Kiểu cũng chỉ biết cô đang dạy học ở xã Nam Cao, chứ không hề biết là vợ mình dạy ở phân trường khó khăn.

Phia Cò hiện vẫn là xóm không đường, không điện, không sóng điện thoại, nước sinh hoạt phải dẫn từ khe suối, điểm trường nằm cách trường chính những 15 km. Do vậy, các giáo viên mỗi tuần phải ra trường chính dự họp và tranh thủ mua gạo, thức ăn, tranh thủ sạc điện thoại, sạc pin dự phòng, mua dầu hỏa thắp đèn...

Cô giáo Bế Thị Huyên (sinh năm 1990) đang mang thai 4 tháng nói: “Rau xanh thì chúng em tự trồng được, cũng đủ ăn. Mỗi lần ra chợ xã các cô giáo chỉ dám mua đồ khô về dự trữ còn thịt, cá tươi mua về là phải ăn ngay vì không có điện, không tủ lạnh nên rất dễ bị ôi thiu. Đến mùa Đông thì chúng em mới mua thịt hoặc lạp sườn về treo gác bếp ăn dần."

Xa chồng con, đường đi lại khó khăn nên các thầy cô giáo ở đây mỗi tháng mới về thăm nhà một lần. Nhớ chồng con, gia đình, các thầy cô chỉ biết gọi điện thoại về hỏi thăm nhưng sóng điện thoại cũng chập chờn.

Những người gieo con chữ nảy mầm nơi vùng cao heo hút ảnh 2Một tiết học của học sinh phân trường Phia Cò. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Theo cô giáo Trương Thị Kiểu, mỗi lần muốn gọi điện thoại, các cô phải ra mỏm đá cách lớp học chừng 100m mới dò được sóng để gọi điện về nhà. Sáng đầu tuần nào cô Kiểu cũng phải ra mỏm đá đầu núi, khua máy lên trời dò sóng điện thoại đê gọi về điểm trường chính hỏi xem có họp gì không, có vấn đề gì mới không để phổ biến lại cho các thầy cô.

Cuộc sống của các thầy cô đã vậy nhưng hoàn cảnh của trò còn khó khăn hơn.

Ông Giàng Vàng Qụa, Bí thư Chi bộ xóm Phia Cò cho biết Phia Cò có 158 hộ dân tộc Mông và đều là hộ nghèo khó. Xóm có hơn 1.000 nhân khẩu nhưng lại chưa được đầu tư điện, đường, trường, trạm. Cuộc sống người dân chủ yếu tự cung tự cấp.

Theo cô giáo Trương Thị Nga, sinh năm 1986, người có thâm niên 6 năm giảng dạy tại Phia Cò, có lẽ Phia Cò là xóm còn khó khăn bậc nhất ở Cao Bằng. Xóm rộng dân cư phân tán nên nhiều em học sinh phải đi học xa, nhà nghèo nên có em vẫn đi chân đất đến lớp. Có em đến lớp phải mang theo ít mèn mén ăn qua bữa trưa đợi chiều học. Cũng có em sáng sớm ăn no ở nhà rồi đến lớp cả ngày, trưa nhịn tối về mới lại ăn.

Còn thầy giáo Ngân Bá Tuấn, quê huyện Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết thêm lớp học mùa Hè thì nóng, mùa Đông gió lùa tứ phía. Sân chơi nhỏ hẹp mà cũng chẳng có đồ chơi gì cho các em chơi đùa với nhau như ở ngoài điểm trường chính hay như các trường học ở ngoài thành phố. Nhưng các em học sinh ở đây vẫn đến lớp đầy đủ và chăm học lắm.

Chia tay Phia Cò trên con đường ghập ghềnh cheo leo giữa heo hút đại ngàn, chúng tôi hiểu rằng con đường đi tìm cái chữ của học sinh ở Phia Cò còn nhiều gian nan. Nhưng chúng tôi tin rằng tương lai không xa, Phia Cò sẽ đổi thay tích cực khi những em học sinh cùng những con chữ được các thầy cô giáo ươm mầm từ hôm nay sẽ lớn lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục