Những người lính sau cuộc chiến làm nên kỳ tích giữa thời bình

Trở về sau các cuộc chiến tranh chính nghĩa, các cựu chiến binh lại lập tức bắt tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, miệt mài xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh.
Những người lính sau cuộc chiến làm nên kỳ tích giữa thời bình ảnh 1Trung tướng Phùng Khắc Đăng. (Ảnh: TTXVN)

Trở về sau các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các cựu chiến binh lại lập tức bắt tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước giàu mạnh; phản bác, chống lại các luận điệu sai trái của thế lực thù địch…

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 25 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Phùng Khắc Đăng (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) đã chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về vấn đề này.

Phấn đấu làm giàu

- Thưa Trung tướng Phùng Khắc Đăng, trong suốt chiều dài 25 năm qua, với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã làm được gì trong công cuộc xây dựng kinh tế, bảo vệ Tổ quốc?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Tính đến ngày 6/12/2014, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tròn 25 tuổi. Trong suốt chiều dài ấy, chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng Hội và thực hiện những nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Là những người lính từng tham gia chiến đấu, góp công sức, mồ hôi, xương máu của bản thân mình vào công cuộc giải phóng đất nước, không ai hiểu và quý trọng giá trị độc lập tự do hơn cựu chiến binh. Các cựu chiến binh tâm nguyện suốt cả đời đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ nhân dân.

Chính vì tâm nguyện này, trước những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, thái độ của cựu chiến binh là kiên quyết đấu tranh, phản bác.

Bên cạnh đó, các cựu chiến binh luôn gương mẫu, phấn đấu để trở thành những hạt nhân tham gia vào hệ thống chính quyền, phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến nay, có 61.718 đồng chí cựu chiến binh [trên tổng số 2,8 triệu hội viên-PV] tham gia vào cấp ủy các cấp.

Cũng trong 25 năm qua, cựu chiến binh luôn động viên nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

Mặc dù đất nước còn khó khăn, bản thân cựu chiến binh đi ra từ chiến đấu và chiến tranh nên phần lớn sức khỏe yếu, nhiều người bị thương tật, nhiều người bị phơi nhiễm dioxin. Kinh tế gia đình khó khăn, sức khỏe yếu nhưng với truyền thống bộ đội cụ Hồ, ý chí tôi luyện qua chiến tranh, các cựu chiến binh đã động viên nhau không cam chịu nghèo hèn trong thời bình. 

Đến nay, có trên 5.600 doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ (có doanh nghiệp đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, có vốn đầu tư ra nước ngoài như Golf Long Thành…); hơn 60.000 trang trại, gia trại và hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng vạn cựu chiến binh và con em các đối tượng chính sách tham gia…

Một trong những đặc điểm của cựu chiến binh là khi đói nghèo thì phấn đấu vươn lên làm giàu, khi giàu rồi thì luôn nhớ tới đồng đội của mình. Bởi thế, đã có nhiều cựu chiến binh tham gia vào các quỹ hội, xây dựng nhà tình nghĩa. Chỉ trong năm năm qua đã xóa được 31.463 nhà dột nát. Đến nay, có 22 tỉnh, thành, hội cơ bản không còn thành viên thuộc hộ nghèo, trên 50% Hội Cựu chiến binh có mức sống khá và giàu…

Hội Cựu chiến binh cũng luôn tích cực tham gia phong trào giáo dục truyền thống yêu nước đối với thanh thiếu niên. Hàng năm vào các ngày lễ, nhà trường, chi đoàn thường mời cựu chiến binh tham gia kể chuyện chiến đấu, chiến tranh, hun đúc tinh thần yêu nước cho lớp trẻ.

Chúng tôi đã ký kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giao lưu như tham quan nhà truyền thống, chiến trường xưa… Đoàn Thanh niên và Hội gắn bó trong việc vận động cựu quân nhân trở về sinh hoạt trong Câu lạc bộ Cựu quân nhân (với khoảng 1,1 triệu cựu quân nhân tham gia)…

Những người lính sau cuộc chiến làm nên kỳ tích giữa thời bình ảnh 2Trung tướng Trần Hanh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam kể về những tháng ngày hào hùng chống giặc Mỹ cho thế hệ trẻ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


Tự lực tự cường

Trong phong trào thi đua của Hội, chúng tôi cũng luôn kết hợp chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động của Trung ương và địa phương. Tiêu biểu trong đó như cuộc vận động như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới…

Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, cựu chiến binh tham gia có hiệu quả 12/19 tiêu chí của phong trào. Năm năm qua, hàng vạn cựu chiến binh trên cả nước đã hiến 4,1 triệu m2 đất để xây dựng các công trình văn hóa, đường giao thông, công trình phúc lợi; đóng góp hơn 70 tỷ đồng, 28 vạn ngày công, góp phần nâng cấp 40.000km đường giao thông nông thôn, sửa chữa 45.000 km kênh mương nội đồng và trên 6.000 cây cầu các loại…

- Xin ông cho biết vai trò của Trung ương Hội trong việc vận động cũng như hỗ trợ các cựu chiến binh trong thời gian qua?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Hội Cựu chiến binh Việt Nam có bốn cấp (Trung ương/tỉnh, thành/quận, huyện/xã phường). Ở dưới cơ sở, các đơn vị đều phấn đấu thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Còn trên cấp Hội, chúng tôi tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô như chế độ chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên của mình. 

Thời gian qua, Hội đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế để giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh như chế độ cho 80.000 quân nhân xuất ngũ sau 1954; tham gia cùng Bộ Quốc phòng giải quyết chế độ cho cán bộ chiến sĩ tham gia chiến tranh chống Mỹ trước 30/4/1975 còn sót lại…

Ngoài việc phối hợp ra được chính sách, Hội Cựu chiến binh Việt Nam còn phối hợp cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương để thực thi chính sách  một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó, bằng tín nhiệm của mình, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để vay 19.000 tỷ đồng, tạo nguồn vốn cho hội viên làm kinh tế.

- Mục tiêu trong thời gian tới của Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ là như thế nào, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Thời gian tới, mục tiêu hàng đầu là phải giữ gìn và phát huy truyền thống của Hội trong suốt chiều dài 25 năm qua.

Bên cạnh đó, Hội có nhiệm vụ rất quan trọng là động viên cựu chiến binh vững vàng về chính trị, ổn định tư tưởng và có lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các cựu chiến binh cần nâng cao bản lĩnh chính trị để có khả năng phản ứng với hoạt động chống đối của thế lực thù địch.

Công tác xây dựng hội phải được chú trọng thông qua việc tăng cường hội viên, nâng cao tỷ lệ các đơn vị đạt trong sạch, vững mạnh trong thời kỳ mới; đảm bảo Hội Cựu chiến binh Việt Nam là khối đại đoàn kết chặt chẽ và có nguyên tắc.

Chúng tôi cũng xác định động viên anh em cựu chiến binh tự lực tự cường, vươn lên xóa đói bền vững, làm giàu hợp pháp qua việc cho hội viên vay vốn. Vừa qua, Hội cũng tham mưu và thành lập Hiệp hội doanh nhân Cựu chiến binh để cùng giúp nhau phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các cựu chiến binh giúp đỡ hội viên nghèo vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân…

- Xin cảm ơn Trung tướng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục