Những phát hiện mới về hòn đảo núi lửa Nishinoshima ở Nhật Bản

Các nhà khoa học cho rằng phân chim và các chất thải hữu cơ phân hủy chính là nguyên liệu bí mật để khởi động sự sống trên hòn đảo núi lửa ở Nhật Bản.
Những phát hiện mới về hòn đảo núi lửa Nishinoshima ở Nhật Bản ảnh 1Hòn đảo Nishinoshima. (Nguồn:AFP/Getty Images)

Một hòn đảo mới xuất hiện trên vùng biển Nhật Bản đang mang lại cho các nhà khoa học một cơ hội hiếm có để nghiên cứu cách sự sống xuất hiện trên các vùng đất cằn cỗi.

Các nhà khoa học cho rằng phân chim và các chất thải hữu cơ phân hủy chính là nguyên liệu bí mật để khởi động sự sống trên hòn đảo núi lửa này.

Trồi lên trên Thái Bình Dương ở vị trí cách Tokyo 1.000km về phía nam hồi năm 2013, hòn đảo mới đã “nuốt” hòn đảo láng giềng của nó là Nishinoshima, một phần của quần đảo Ogasawara thuộc Nhật Bản, nổi tiếng về sự giàu có và đa dạng sinh học.

 

Đảo Nishinoshima mới với diện tích 2,46km2 hiện mới có toàn đá, hình thành từ nham thạch nguội. Nhưng các nhà khoa học cho rằng một ngày nào đó, cây cối sẽ mọc trên đảo, cùng như các loài động vật sẽ xuất hiện tại nơi được gọi là “phòng thí nghiệm của tự nhiên” này.

“Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hòn đảo mới, vì chúng tôi đã được trao cơ hội quan sát bước khởi đầu của quá trình tiến hóa,” giáo sư Naoki Kachi, trưởng Hội đồng nghiên cứu Ogasawara thuộc Đại học Tokyo cho biết.

Theo ông, sau khi các hoạt động núi lửa lắng xuống, “cây cối trôi theo sóng biển và dính vào chim chóc sẽ xuất hiện trên đảo.” Những con chim biển cũng có thể sẽ tới đây trú ngụ. Phân, lông rụng, thức ăn thừa và xác của chúng sẽ trở thành nguồn cung dinh dưỡng giúp đất đai trở nên màu mỡ, thúc đẩy các hạt giống do gió thổi tới hay được chim thải ra nảy mầm.

Nhật Bản, quốc gia nằm tại nơi tiếp giáp của nhiều mảng kiến tạo là ngôi nhà của hơn 100 núi lửa còn đang hoạt động. Đảo Nishinoshima cũ với diện tích chỉ 0,22km vuông đã từng là nhà của nhiều loài chim cho tới khi núi lửa phun trào khiến lũ chim sợ hãi bay đi. Hiện chỉ còn một số loài chim bám trụ lại trên phần đảo cũ và làm tổ trên những cành cây đầy tro bụi.

Các nhà khoa học không biết khi nào núi lửa trên đảo Nishinoshima mới dừng phun nham thạch, nhưng quá trình mở rộng của nó đang bị chậm lại vì các mép đảo đang dày lên. Hiện hòn đảo vẫn chỉ đang được quan sát từ trên cao, nhưng các nhà nghiên cứu thực địa đầu tiên cũng đã chuẩn bị tâm thế cẩn trọng để đặt chân lên đảo.

“Những nhà sinh vật học sẽ biết phải làm gì, nhưng có lẽ những nhà khoa học đầu tiên đặt chân lên đảo sẽ là các nhà địa chất và núi lửa học. Tôi sẽ rất vui nếu được tư vấn cho các đồng nghiệp này,” giáo sư Kachi chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục