Những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lộ rõ

Những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày càng lộ rõ, nổi bật là nguy cơ trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư quá mức cho hạ tầng, nợ của chính quyền địa phương.
Những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lộ rõ ảnh 1Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả khảo sát mới nhất của Ngân hàng HSBC cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 5/2015 vẫn yếu, khi chỉ số quản lý thu mua (gọi tắt là PMI) chỉ đạt 49,1 điểm và là tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm, là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Ngoài chỉ số PMI thấp thì sản lượng thương mại và công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Tư cũng thấp hơn dự đoán. Những số liệu này là cơ sở để các chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng kém khả quan của kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục kéo dài trong quý 2 năm nay.

Nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 7% quý 1/2015, là quý tăng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Mặc dù số liệu tăng trưởng GDP thấp và được cho là đang hướng tới tăng trưởng bền vững, nhưng những rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang lộ rõ. Đó là rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư quá mức cho hạ tầng, nợ của chính quyền địa phương.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới.

- Thưa ông Bùi Ngọc Sơn, đi kèm với bùng nổ tăng trưởng luôn là những rủi ro khó kiểm soát, điều này được thể hiện như thế nào trong nền kinh tế Trung Quốc?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Trong thời gian tăng trưởng “nóng”, nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện hàng loạt vấn đề. Thứ nhất là do đầu tư đóng góp cho tăng trưởng rất lớn, chiếm 50% GDP và tín dụng một khi tăng mạnh, đầu tư tăng mạnh thì thường xuất hiện những “bong bóng” kinh tế, trong đó có “bong bóng” bất động sản.

Vấn đề thứ hai là nợ của chính phủ, nợ của doanh nghiệp gia tăng. Vấn đề thứ ba ở Trung Quốc là dư thừa công suất quá lớn. Tất cả những điều đó đã và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh.

Trong trường hợp nợ xấu của lĩnh vực bất động sản không được xử lý tốt, trong hệ thống ngân hàng có thể rơi vào tình trạng tê liệt, từ đó dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Theo tôi, kinh tế Trung Quốc đang chạm tới những giới hạn trước khi xảy ra khủng hoảng.

- Những rủi ro tiềm ẩn nào là những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Hiện nay các chuyên gia đánh giá có ba rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Một là dư thừa công suất rất khó cắt giảm. Thứ hai là vấn đề nợ đặc biệt là của chính quyền địa phương. Thứ ba là vấn đề “bong bóng” bất động sản.

Về dư thừa công suất, hơn 120 triệu tấn thép, khoảng 200 triệu tấn ximăng dư thừa và Trung Quốc phải đang cắt giảm sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề cắt giảm không dễ dàng vì giảm công suất thì sẽ phải sắp xếp lại số lao động dư thừa, trong khi muốn chuyển sang mô hình mới thì chưa chuyển kịp.

Về vấn đề nợ thì khối nợ của Trung Quốc hiện tại tương đương 282% GDP, tức là gần gấp 3 lần GDP của Trung Quốc. Khối nợ này bao gồm nợ của chính quyền địa phương, nợ của tư nhân, nợ của các hộ gia đình. Theo các theo dõi khác nhau thì khối nợ này gia tăng rất nhanh trong thời gian gần đây và cụ thể là tăng gấp đôi trong 7 năm qua.

Nợ tăng nhanh trong khi nền kinh tế giảm tốc là vấn đề vô cùng nguy hiểm. Tình huống tương tự đã từng xảy ra ở Argentina, Mexico và Thái Lan – những nước từng lâm vào khủng hoảng trong cùng giai đoạn.

Khi nhìn vào khối nợ của Trung Quốc thì nợ của chính quyền địa phương là rất cao mà hầu như các chuyên gia cho thấy đây là nợ xấu, khó thu hồi, trong đó 40-50% nằm ở thị trường bất động sản.

Điều này có nghĩa là nợ với “bong bóng” bất động sản là một và khả năng bị mất là rất cao. Nếu như khoản nợ này không xử lý được thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể rơi vào tê liệt, dần tới khủng hoảng kinh tế.

Đến giai đoạn này, giá nhà tại Trung Quốc ở mức quá cao và đã tiến tới bằng giá nhà ở Paris và New York. Tình trạng tồn đọng nhà ở và căn hộ trên thị trường bất động sản đang dồn lên lĩnh vực ngân hàng.

- Một khi những ẩn họa như ông vừa nhắc đến ở trên không còn tiềm ẩn nữa mà trở thành thực tế, kinh tế Trung Quốc sẽ phải đương đầu với những hậu quả như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Nếu những rủi ro trên trở thành sự thật thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm. Chính phủ Trung Quốc phải cố gắng kiềm chế khủng hoảng bằng cách thay đổi mô hình, từng bước “tiêu hóa” dần đống nợ đó.

Nếu không làm được việc này thì rõ ràng hệ thống ngân hàng và khu vực tài chính sẽ bị tê liệt. Một khi lĩnh vực tài chính bị tê liệt thì đến cả nền kinh tế lớn như Mỹ cũng không thể chống chọi nổi. Đó là tình huống xấu nhất.

Hiện tại, Trung Quốc đang rất nỗ lực để kiểm soát tình hình. Theo nhận định của tôi thì trong ngắn hạn, kinh tế Trung Quốc vẫn đủ sức và có nhiều dư địa để kiểm soát được những rủi ro. Nhưng trong tương lai xa khoảng 3-4 năm tới thì vẫn chưa nói trước được điều gì.

- Trong thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế trên thế giới đồng loạt bày tỏ sự nghi ngờ về việc Trung Quốc coi việc giảm tốc kinh tế của họ hiện nay là nhằm hướng tới sự tăng trưởng bền vững và cảnh báo về bài học Nhật Bản sau khi “bong bóng” bất động sản nổ tung năm 1989. Ông đánh giá thế nào về những cảnh báo trên?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Trung Quốc không lờ đi các rủi ro và thách thức. Họ biết rõ điều đó và đang chuyển nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Nhưng vấn đề nằm ở cách thức và kỹ thuật xử lý vấn đề khi bắt đầu thực hiện và khó khăn khi thực hiện. Trung Quốc có vẻ như đang bị chùn tay.

Ngay cả việc cắt giảm công suất cũng là một vấn đề. Nợ chính quyền địa phương cũng vậy. Việc giải quyết nó thế nào để làm sạch khu vực tài chính và “tiêu hóa” nợ nần cũng rất khó. Bất động sản cũng vậy.Vấn đề của Trung Quốc còn nằm ở tính hệ thống khi khu vực nhà nước sở hữu rất nhiều, kể cả trong các công ty bất động sản. Vì thế Trung Quốc gặp khó khăn khi đưa ra cách thức xử lý vấn đề.

Việc so sánh với mô hình Nhật Bản trước năm 1989 tôi thấy hoàn toàn chính xác. Kinh tế Nhật Bản từng tăng trưởng rất tốt, song cùng với tăng trưởng là khối “bong bóng” bất động sản. “Bong bóng” này đã vỡ tung, dồn mọi sức ép sang khu vực tài chính, khiến khu vực này rơi vào tình trạng tê liệt.

Nếu biến cố xảy ra tương tự thì kinh tế Trung Quốc phải gánh hậu quả nghiêm trọng hơn so với Nhật Bản, vì Trung Quốc có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

- Theo ông, biện pháp nào tiếp theo đây sẽ được Chính phủ Trung Quốc tung ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang mất đà tăng trưởng?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Trung Quốc đang dùng gần như là tất cả các phương thức nhằm kiểm soát tình hình giảm đà tăng trưởng của họ, với các động thái như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất cho vay và thực hiện chính sách tài khóa.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã chấp nhận vấn đề nợ của chính quyền địa phương. Ví dụ như các công trình hạ tầng cơ sở được chính quyền trung ương cho phép thì chính quyền địa phương không bị giới hạn phát hành trái phiếu cho công trình đó. Sắp tới, lãi suất sẽ tiếp tục được hạ xuống.

Còn chính sách về tài khóa đang được Trung Quốc cân nhắc vì nợ công của họ đang ở mức quá cao. Ngoài những việc đang làm như chuyển đổi mô hình kinh tế thì Trung Quốc cũng tập trung hướng ra bên ngoài để “tiêu hóa” đống nguyên liệu dư thừa.

- Ông dự báo thế nào tương lai kinh tế Trung Quốc?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Từ giờ trở đi, Trung Quốc sẽ phải vất vả đối phó với vấn đề giảm tốc kinh tế ngày càng nặng nề, bởi vì nợ tăng nhanh là một mối nguy không thể xem thường.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường lên nắm quyền điều hành đất nước Trung Quốc, họ đã hoạch định đường lối mới cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì mặc dù rất nỗ lực, song để việc thực hiện mang lại kết quả không hề đơn giản.

Với tốc độ tăng trưởng chậm hiện nay, kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Trong năm nay và sang năm, tình hình kinh tế vẫn có thể được kiểm soát, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ ngày càng thấp đi.

Theo đánh giá của tôi, Trung Quốc không thể đạt tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay mà có thể chỉ là 6,5%.

- Với sức mạnh và tầm ảnh hưởng kinh tế sâu rộng như hiện nay, sự giảm tốc và tương lai khó đoán của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động mạnh nhất đến phần nào của kinh tế thế giới?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP trên 10.000 tỷ USD. Trước đây, Trung Quốc tiêu thụ năng lượng và “ngốn” một lượng nhiên liệu rất lớn. Nếu nền kinh tế này giảm tốc thành công, không nói đến chuyện đổ vỡ, thì một số nước trước đây xuất khẩu khoáng quặng vào Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Có thể kể đến là Indonesia, Brazil và Australia. Tuy nhiên, các phần khác của nền kinh tế thế giới lại được hưởng lợi.

Trung Quốc trước đây tiêu thụ nguyên, nhiên liệu rất lớn, đẩy giá nguyên, nhiên liệu, trong đó có dầu lửa lên rất cao. Hiện tại và tương lai gần, khi Trung Quốc không tiêu thụ nhiều đến mức như thế thì giá nguyên, nhiên liệu sẽ bớt nóng và phần còn lại của thế giới sẽ được hưởng, giúp chi phí sản xuất hạ.

- Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ bị tác động ra sao từ những khó khăn của kinh tế Trung Quốc?

Ông Bùi Ngọc Sơn: Trong bối cảnh hiện nay, về hướng xuất khẩu thì hàng nông sản chắc chắn không ảnh hưởng do vấn đề nhu cầu của Trung Quốc, nhưng nhóm sản xuất khoáng quặng bán sang Trung Quốc cũng nên xem chừng vì nhu cầu của Trung Quốc đối với mặt hàng này sẽ không lớn như trước đây.

Ngược lại, về chiều nhập khẩu thì thực sự đáng lo ngại vì khi Trung Quốc dư thừa công suất, thay đổi mô hình kinh tế thì hàng hóa dư thừa đó sẽ được bán ra bên ngoài và vấn đề này ngay lập tức ảnh hưởng đến Việt Nam.

Với giá rẻ, vừa tầm với trình độ công nghệ và rất gần gũi về địa lý, lượng hàng dư thừa của Trung Quốc sẽ đẩy sang thị trường nước ta với số lượng lớn và ồ ạt. Trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy mặt hàng sắt thép từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng với tốc độ khá mạnh. Nguy cơ nhập siêu từ Trung Quốc có thể tăng mạnh hơn nữa và chúng ta phải có cách đối phó với thực tế này.

- Xin cám ơn ông./.

 
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục