Những sự kiện nóng đẩy căng thẳng khu vực Đông Bắc Á lên cao

Khu vực Đông Bắc Á thời gian qua có những biến động lớn như Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ-Hàn đẩy nhanh kế hoạch triển khai THAAD, bê bối của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye...
Những sự kiện nóng đẩy căng thẳng khu vực Đông Bắc Á lên cao ảnh 1Bà Park Geun-hye (giữa) về tới nhà riêng ở Seoul sau khi rời Phủ Tổng thống ngày 12/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khu vực Đông Bắc Á thời gian qua dồn dập có những biến động với những sự kiện “nóng” đẩy căng thẳng khu vực lên cao như Triều Tiên thử tên lửa, Mỹ-Hàn đẩy nhanh kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), chính trường Hàn Quốc bất ổn liên quan vụ bê bối của Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye, quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi do những tranh cãi về THAAD và vấn đề mang tính lịch sử…

Điểm nóng khu vực được nhắc đến nhiều nhất là Bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc vừa bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” kéo dài từ cuối tháng Hai đến hết tháng Tư - sự kiện luôn bị Triều Tiên chỉ trích là bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược nước này. Các cuộc tập trận diễn ra đúng thời điểm căng thẳng gia tăng sau vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 12/2 vừa qua.

Và tiếp sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên hôm 6/3, Mỹ và Hàn Quốc đã lập tức viện dẫn các nguy cơ từ Triều Tiên để giải thích cho quyết định đẩy nhanh kế hoạch triển khai THAAD. Tuần trước, một phần của lá chắn tên lửa đã được đưa đến Hàn Quốc để bắt đầu triển khai ở khu vực Đông Nam nước này, và có thể sẽ hoạt động sớm nhất vào tháng tới.


[Hàn-Mỹ diễn tập bắn hạ tên lửa của Triều Tiên bằng THAAD]

Không chỉ phản ứng bằng các kế hoạch quân sự, Hàn Quốc và Mỹ mới đây cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác trừng phạt tài chính đối với Triều Tiên. Mâu thuẫn càng chồng chất sau sự kiện một công dân Triều Tiên, được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, bị sát hại ở sân bay Malaysia. Mặc dù chính quyền Triều Tiên kiên quyết bác bỏ mọi liên quan, cũng như chưa có kết quả giám định cuối cùng, song Washington và Seoul đều tuyên bố sẽ mở rộng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang phải đối phó với những khó khăn lớn ngay từ bên trong, có thể gọi là “cơn địa chấn chính trị” liên quan việc Tổng thống Park Geun-hye chính thức bị phế truất.

Vừa ổn định tình hình, vừa tìm cách hàn gắn xã hội đang chia rẽ sâu sắc, trong khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa phải tiến hành bầu cử tìm nhà lãnh đạo mới, là bài toán khó với chính quyền Hàn Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, nền kinh tế Hàn Quốc, nhất là các ngành du lịch và thương mại, đang chịu tác động lớn do các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc để chống lại THAAD.

Giới chuyên gia dự đoán rằng “vũ khí kinh tế” của Bắc Kinh có thể khiến cho Hàn Quốc thiệt hại tới 15 tỷ USD trong thời trước mắt.

Bất ổn kéo dài và tương lai chưa chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phải hoãn kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong năm 2017. Chính vì vậy, vấn đề kinh tế cũng như đối sách với các nước láng giềng khu vực sẽ là yếu tố chi phối cuộc đua vào Nhà Xanh sắp tới giữa phe tự do, đứng đầu là Đảng Dân chủ đối lập, và phe bảo thủ, trong đó có đảng Hàn Quốc tự do cầm quyền.

[Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chính thức bị phế truất]

Thực tế đã cho thấy những rối ren chính trị ở Hàn Quốc, cùng mối quan hệ thất thường, thiếu niềm tin giữa các nước trong khu vực đã khiến cho tiến trình đối thoại giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hay nỗ lực cải thiện quan hệ Trung-Nhật-Hàn gặp nhiều rào cản trong một thời gian dài. Những diễn biến mới gần đây đang khiến dư luận lo ngại sẽ càng khiến an ninh và ổn định của khu vực đi theo chiều hướng tiêu cực lâu dài, thậm chí có thể mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du ba nước Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, từ 15-19/3, là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Giới phân tích nhận định ông Tillerson, trong chuyến công du đầu tiên với tư cách người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ phải đối mặt với bài toán đầy thách thức trong việc điều chỉnh mối quan hệ với ba nước nói trên. Khó khăn nhất sẽ là làm sao điều hướng được mối quan hệ đang căng thẳng giữa Seoul-Bắc Kinh-Tokyo để cùng hợp tác đối phó với Triều Tiên, trong khi dự án triển khai THAAD được tiến hành suôn sẻ. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi lẽ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - cùng là hai đồng minh thân thiết của Washington, đã tồn tại những mâu thuẫn chính trị mang tính lịch sử khó giải quyết.

Trong khi đó, phải điều chỉnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc ra sao để bảo đảm lợi ích khi mà Trung Quốc không ngần ngại trả đũa Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng nằm trong sự chuẩn bị cho các chiến lược đối ngoại lâu dài của Washington đối với khu vực.

Với những đặc thù của một khu vực hội tụ nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen trên cả bình diện song phương và đa phương, Đông Bắc Á luôn là “bàn cờ” với những “thế cờ” khó ở châu Á. Và những nước cờ sắp tới sẽ không thể thiếu vai trò của Mỹ. Nhưng liệu Mỹ đóng góp được gì để giải “thế cờ” khó hiện nay, đây sẽ là phép thử không chỉ với riêng Ngoại trưởng Tillerson mà còn là với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục