Những tâm tư của các đại biểu trẻ lần đầu tham gia Quốc hội

Việc được tham gia nghị trường không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm nặng nề, là áp lực rất lớn, đặc biệt đối với các đại biểu trẻ.
Những tâm tư của các đại biểu trẻ lần đầu tham gia Quốc hội ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong số 494 đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV có tới 316 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung (Cao Bằng); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đã thể hiện một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Vinh dự và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trẻ

Vinh dự là đại biểu Quốc hội trẻ lần đầu tiên tham gia Quốc hội, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng đối với mỗi đại biểu Quốc hội, việc được tham gia nghị trường không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm nặng nề, là áp lực rất lớn, đặc biệt đối với các đại biểu trẻ.

"Chúng tôi, những đại biểu trẻ mới tham gia Quốc hội có những thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Đại biểu trẻ sẽ có những tư duy sáng tạo và năng động, tuy nhiên có khó khăn là kinh nghiệm công tác chưa nhiều, kinh nghiệm tham gia Quốc hội chưa dày dặn. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng riêng của mỗi đại biểu Quốc hội trẻ để trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của người đại biểu Quốc hội, từ đó có đóng góp tốt nhất cho cử tri của mình," đại biểu Triệu Thanh Dung chia sẻ.

Đại biểu Triệu Thanh Dung cũng cho rằng trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu những đề xuất, kiến nghị của cử tri với Quốc hội. Đó không chỉ là đề xuất mà còn là tâm nguyện, mong mỏi của mỗi cử tri tới các đại biểu Quốc hội.

Đây là trọng trách nặng nề của từng đại biểu Quốc hội nhằm đáp ứng nguyện vọng của cử tri, trong đó có những vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, như vấn đề chủ quyền Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...


Thể hiện bản lĩnh của mỗi đại biểu thông qua lá phiếu

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), các đại biểu Quốc hội dù lần đầu tiên hay đã từng tham gia đều qua một quá trình chuẩn bị nhân sự rất kỹ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể đã hiệp thương nhiều vòng, được cử tri cả nước lựa chọn khách quan, dân chủ và công khai trong ngày hội bầu cử 22/5/2016.

Có thể nói, các đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được chọn lựa từ các vị trí công tác, các lĩnh vực, ngành, địa phương trong cả nước, nên chắc chắn các đại biểu đều có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, các đại biểu mới sẽ có nhiều khó khăn hơn, đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng để nhanh chóng nắm bắt được những yêu cầu, chức năng nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, từ đó có đóng góp tốt cho các hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng việc có tới 316 đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu là yếu tố mới. Những đóng góp của các đại biểu mới này tới Quốc hội phải được chứng minh bằng bản lĩnh của mỗi đại biểu trong quá trình tham gia Quốc hội. Điều này thể hiện ở chính kiến của đại biểu trong mỗi lần phát biểu hoặc biểu quyết thông qua một vấn đề Quốc hội thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục