Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu, chính vì vậy, cần tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển năng lượng.
Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 3/6, tại Trung tâm khoa học kinh tế thuộc Đại học Panthéon-Sorbonne, Paris 1, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) và Hiệp hội kỹ thuật Điện và Năng lượng (AEEE), phối hợp với Hội người Việt Nam tại tỉnh Isère đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam.”

Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo sư Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Hội AVSE, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực năng lượng.

Tham dự hội thảo còn có gần một trăm chuyên gia, kỹ sư, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và làm việc trong các viện nghiên cứu và các tập đoàn năng lượng lớn của Pháp.

Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam ảnh 2 Ông Lê Tuấn Phong giới thiệu sơ bộ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Mục đích của hội thảo là đóng góp ý kiến cho chính sách năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm của Pháp trong việc chuyển đổi sang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng được sản xuất theo phương pháp đốt nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Đây là dịp để các tổ chức của Pháp hiểu rõ hơn về hiện trạng ngành năng lượng Việt Nam, nắm bắt khả năng hợp tác trong nghiên cứu với Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động mở màn cho chuỗi nhiều hoạt động và sự kiện thuộc đề án “Quy hoạch năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” (viết tắt là VENPLAN) được các hội AVSE và AEEE phối hợp thực hiện trong thời gian 6 tháng, từ tháng 6 tới tháng 12/2017, nhằm đưa ra các khuyến cáo mang tính thực tiễn đối với quy hoạch năng lượng của Việt Nam.

Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam ảnh 3 Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo cùng đề tài nghiên cứu VENPLAN, nhằm phát huy nguồn trí thức Việt tại Pháp, đóng góp thiết thực vào sự phát triển năng lượng của đất nước.

Trong phần đầu dành cho các đại biểu trình bày tham luận, ông Lê Tuấn Phong, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, đã giới thiệu sơ bộ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn và đang tăng nhanh hàng năm của Việt Nam.

Ông cho biết Chính phủ Việt Nam yêu cầu phát huy tất cả các nguồn năng lượng sẵn có trong nước từ nhiệt điện, thủy điện, các loại năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo phát triển năng lượng phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ông cũng nêu rõ mặc dù nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên cần sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng tốt các chỉ số môi trường theo quy định.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, chuyên gia về chiến lược năng lượng, nguyên giáo sư trường Đại học Bách khoa Grenoble, nguyên cố vấn của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), đã có bài tham luận sâu về sự cần thiết phải chuyển hướng sang đầu tư vào năng lượng tái tạo.

"Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030"

Về phía Pháp, ông Philippe Malbranche, Tổng Giám đốc Viện Năng lượng Mặt trời Pháp (CEA-INES) đã trình bày tham luận về chủ đề “Sự chuyển đổi năng lượng ở châu Âu: các bài học và cơ hội”; Giáo sư Patrick Criqui, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), nguyên Giáo sư Đại học Grenoble Alpes giới thiệu các công nghệ khí thải thấp và lộ trình giải trừ khí thải.

Còn Giáo sư Jean-Pierre Favenne​c, thuộc Học viện Dầu mỏ Pháp, đề cập đến khả năng tiếp cận năng lượng của các nước châu Phi.

Trong phần thứ hai của hội thảo, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về các thách thức cho sự phát triển năng lượng của Việt Nam.

Các đại biểu nhất trí cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu, chính vì vậy, cần tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển năng lượng, hạn chế tối đa tác động của công nghiệp năng lượng lên môi trường sống, từng bước hướng đến một nền năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam ảnh 4  Ông Philippe Malbranche trình bày tham luận về chủ đề “Sự chuyển đổi năng lượng ở châu Âu”.(Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Trần Duy Châu, chuyên gia công tác tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), thành viên chủ chốt của dự án VENPLAN, cho biết các thành viên của dự án muốn phát huy các kiến thức và hiểu biết của mình, kết hợp với một số đối tác Pháp nhằm tranh thủ trình độ công nghệ tiên tiến của Pháp trong việc chuyển đổi năng lượng, để có thể đóng góp tích cực vào việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng tại Việt Nam.

Dự án VENPLAN gồm 4 hoạt động quan trọng: Hội thảo ngày 3/6 tại Paris là cuộc gặp gỡ, trao đổi mở đầu để nhận thức vấn đề và tìm kiếm các ý tưởng mới; Thành lập 6 nhóm làm việc, tiến hành các nghiên cứu chuyên đề kéo dài đến cuối tháng 11/2017 về những vấn đề cấp bách cho năng lượng của Việt Nam; Tổ chức hội thảo ngày 3/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự bảo trợ của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, để lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia và các nhà quản lý, điều hành ở Việt Nam; Ngày 16/12, tổ chức hội thảo báo cáo kết quả của 6 nhóm nghiên cứu.

Kết quả của mỗi chuyên đề sẽ được trình bày dưới dạng báo cáo kỹ thuật chuyên sâu.

Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) được thành lập tháng 5/2011 tại Paris, tập hợp những trí thức, nhà khoa học và chuyên gia người Việt tại Pháp và nhiều nước trên thế giới, mong muốn cống hiến vì một Việt Nam ngày càng phát triển.

Những thách thức đối với chính sách năng lượng của Việt Nam ảnh 5Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, chuyên gia về chiến lược năng lượng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)

AVSE kết nối hợp tác, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, các khóa đào tạo và xuất bản các báo cáo chuyên đề. Cho đến nay, AVSE đã triển khai nhiều dự án tư vấn trên nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch giao thông, tài chính kinh tế, cơ khí xây dựng, và công nghệ thông tin. Hiệp hội kỹ thuật Điện và Năng lượng (AEEE) được thành lập tại Pháp vào năm 2002.

AEEE thường xuyên triển khai các hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề, phát triển mạng lưới chuyên ngành, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Mục tiêu của các hoạt động trên là thúc đẩy hợp tác khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực điện và năng lượng giữa Việt Nam và Pháp, tăng cường tương trợ giữa các thành viên trong công tác chuyên môn và hỗ trợ các tài năng trẻ người Việt tại Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục