Những tín hiệu khả quan từ mô hình Văn phòng thông tin di cư

Sau 2 năm hoạt động, Văn phòng thông tin di cư đã tư vấn thông tin về xuất khẩu lao động cho hơn 3.500 lượt người, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu là khoảng 1.000 lượt.
Những tín hiệu khả quan từ mô hình Văn phòng thông tin di cư ảnh 1Người lao động làm thủ tục sang Hàn Quốc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Ngày 24/6, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cùng với Tổ chức di cư thế giới (IOM) đẫ tổ chức hội thảo “Thúc đẩy di cư an toàn từ Việt Nam thông qua thí điểm thành lập Văn phòng thông tin di cư (MRC)”.

Thành lập Văn phòng thông tin di cư là một dự án do Cục Quản lý lao động ngoài nước và IOM phối hợp thực hiện. Chức năng, nhiệm vụ của văn phòng là cung cấp thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài, pháp luật, chính sách củaViệt Nam liên quan đến lao động làm việc ở nước ngoài, địa chỉ của các văn phòng, tổ chức trợ giúp liên quan, cảnh báo rủi ro thường gặp khi di cư trái phép…

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước cho biết, tính đến tháng 5/2014 văn phòng MRC đã tư vấn hỗ trợ thông tin về di cư cho 3.500 lượt lao động (thay vì đã mục tiêu đặt ra trước đó là là 1.000 lượt). Bình quân hàng tháng, văn phòng MRC tư vấn cho khoảng 150 lao động, trong đó 70% số lượt tư vấn là qua điện thoại. Số lượng lao động cần tư vấn đang tăng lên theo thời gian. Nếu vào thời điểm tháng 6/2012, văn phòng chỉ tư vấn cho khoảng 60 lượt người/tháng thì hiện tại tỷ lệ này đạt trên 200 lượt/tháng.

Văn phòng MRC cũng đã xây dựng hồ sơ 15 nước đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…Hồ sơ này được in thành sổ tay và đưa lên website của văn phòng để người lao động dễ dàng tham khảo… Số lượt người truy cập website đã vượt trên 100.000 lượt. Bước đầu văn phòng đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp thông tin cho người lao động di cư.

Văn phòng MRC đã thực hiện khảo sát đối với người lao động làm việc ở nước ngoài và thân nhân lao động tại một số tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh… Kết quả khảo sát cho thấy ý thức người dân về di cư lao động an toàn đã tăng lên, người lao động đã có ý thức thu nhập, tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc thận trọng hơn trước khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động. Đặc biệt, các thông tin quan tâm tập trung vào việc đi làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ văn phòng MRC cần tiến tới mở rộng mạng lưới văn phòng tư vấn để tạo điều kiện để lao động vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận thông tin về di cư tự do... Văn phòng cần được đảm bảo các nguồn lực về nhân sự và tài chính để duy trì hoạt động. Nguồn lực của văn phòng cần đa dạng hóa, có thể huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cùng với ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên./.

Dự án thiết lập và vận hành thí điểm Văn phòng thông tin di cư (MRC) được thành lập tại Việt Nam từ tháng 11/2011. Văn phòng tạo điều kiện di cư an toàn cho công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cung cấp thông tin và tăng cường hiểu biết về các vấn đề di cư lao động. Thông qua truyền thông và tư vấn sẽ thúc đẩy di cư lao động hợp pháp, phòng tránh di cư bất hợp pháp, giúp lao động di cư giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích của việc ra nước ngoài làm việc… /.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục