Những ưu tư của VN trong tiến trình đàm phán Doha

Trưởng đoàn Việt Nam, đại sứ Nguyễn Trung Thành đã lên tiếng bày tỏ những ưu tư về những bế tắc hiện nay của vòng đàm phán Doha.
Ngày 25/10 tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhóm cố vấn Ban thư ký WTO đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ phụ trách các bộ ngành của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva về các vấn đề như đàm phán nông nghiệp, đàm phán mở cửa thị trường phi nông sản (NAMA) và thương mại dịch vụ.

Trưởng đoàn Việt Nam, đại sứ Nguyễn Trung Thành đã bày tỏ những ưu tư về những bế tắc hiện nay của vòng đàm phán Doha, đồng thời đặt ra những câu hỏi mà phía Việt Nam quan tâm, đặc biệt là những lời khuyên bổ ích cho Việt Nam trong bối cảnh dường như tổ chức thương mại toàn cầu này đang cố gắng xây dựng nguyên tắc đàm phán mới về Hiệp định đa phương về dịch vụ.

Bà Suja Rishikesh Mavroidis, cố vấn Ủy ban Tiếp cận Thị trường, đã tóm lược quá trình đàm phán NAMA, trong đó nhấn mạnh đến “công thức Thụy Sỹ" và các biện pháp linh hoạt cho nhóm các nước đang phát triển, các nước thành viên mới gia nhập (RAM) bao gồm cả Việt Nam.

Liên quan đến vòng đàm phán Doha, bà Suja cho rằng thiện chí chính trị của các nước thành viên WTO là nhân tố rất quan trọng mang đến sự thành công. Bà lấy ví dụ về trường hợp của Nga, trước đó nhiều người từng dự đoán rằng Nga sẽ không thể gia nhập WTO sau 18 năm đàm phán nhưng thực tế Nga đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO.

So với thời điểm cách đây một năm khi những bế tắc ngoại giao làm chệch hướng của tiến trình đàm phán Đôha, hiện nay hầu hết các nhà đàm phán đều tích cực hơn trong việc phát hiện những lĩnh vực có thể đạt đồng thuận.

Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển thuộc nhóm RAM, bà Suja cho rằng điều quan trọng là phải đánh giá chính xác mình đang ở đâu trong tất cả các cuộc đàm phán từ lĩnh vực nông nghiệp, phi nông ngiệp và dịch vụ. Phải nắm rõ toàn bộ những biểu cam kết về việc giảm thuế đối với các dòng thuế. Việt Nam cũng đã cam kết tham gia một số Hiệp định tự do hóa theo ngành, mà một trong những ngành Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA). Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có năng lực trí tuệ để giải quyết thỏa đáng mọi chuyện.

Bà Marie -Bel Martinez-Hommel phụ trách các vấn đề kinh tế của Ủy ban Hàng hóa và Nông nghiệp đã có bản báo cáo kỹ lưỡng về đàm phán nông nghiệp - tâm điểm của vòng đàm phán Doha và cũng được Việt Nam rất quan tâm. Đàm phán nông nghiệp tập trung vào ba vấn đề bao gồm mở cửa thị trường; trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước. Do sự nhạy cảm của chủ đề này đối với tất cả các thành viên WTO nên đàm phán nông nghiệp diễn ra rất chậm chạp, ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán trong các lĩnh vực khác như NAMA hoặc dịch vụ.

Trả lời câu hỏi liên quan đến chính sách trợ giá gạo Thái Lan của ông Lê Quang Lân, Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách mảng WTO, bà Marie cho rằng Việt Nam có thể sử dụng Điều khoảng 6.2 về đối xử khác biệt và đặc biệt khi trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của chính phủ nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn. Việc thu mua và trữ lúa gạo với số lượng lớn của chính phủ Thái Lan sẽ đe dọa thị trường gạo của Việt Nam nếu Thái Lan đổi chiều và phá giá.

Trong lĩnh vực dịch vụ, những nước tích cực nhất vẫn là các nước có thế mạnh về lĩnh vực này như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Singapore... Bà Ruosi Zhang, cố vấn Ủy ban Dịch vụ Thương mại của Ban thư ký WTO, đã đề cập đến Hiệp định đa phương về dịch vụ. EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và 13 nền kinh tế phát triển và đang phát triển khác đang tiến tới việc khởi động đàm phán hiệp định trên, dù các cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil lên tiếng phản đối.

Hiệp định sẽ được xây dựng dựa trên hơn 100 hiệp định song phương và khu vực đã được thương lượng trong 18 năm qua. Thời điểm bắt đầu các cuộc thương lượng không được ấn định cụ thể, song việc đàm phán sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể.

Tham tán Vũ Chí Long bày tỏ những băn khoăn về phương thức đàm phán đa phương về dịch vụ được gọi là "Real Good Service Friend" do một số nước phát triển như Mỹ, EU đề xuất hiện nay liệu có phải là sự ly khai WTO hay không. Tuy nhiên, bà Ruosi cho biết đây chỉ là cách gọi mới của đàm phán "Service Friend" trước kia.

Đối với Mỹ, lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn 80% GDP của nước này, bao gồm nhiều hoạt động, từ ngân hàng, chuyển phát nhanh tới viễn thông cũng như các dịch vụ không mang tính thương mại khác. Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về dịch vụ và đạt thặng dư thương mại trong lĩnh vực này, nên không có gì ngạc nhiên khi Mỹ nỗ lực thúc đẩy đàm phán về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu chỉ có một vài nước ủng hộ Mỹ sẽ không thể giải quyết được vấn đề, cho nên Mỹ sẽ phải vận động, nhân nhượng để các nước cùng tham gia.

Trong giai đoạn đầu tiên này, EU cũng có quan điểm khác và vẫn muốn thiên về Thỏa thuận chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), đấy là chưa kể 27 nước thành viên trong EU cũng chưa chắc có quan điểm đồng nhất. Do vậy, đây sẽ vẫn còn là quá trình đàm phán nhiều khó khăn./.

Tố Uyên/Geneve (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục