Ninh Bình cần phải phát triển nhanh và bền vững

Làm việc với cán bộ chủ chốt của Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu tỉnh này cần chủ động phát huy tiềm năng để bứt phá vươn lên.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình, chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, nhằm đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Ninh Bình trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; cho rằng những thành tựu mà Ninh Bình đạt được đã góp phần rất lớn vào thành tựu phát triển chung của đất nước; đồng thời tạo tiền đề cho tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận những thành tựu đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, tồn tại mà Ninh Bình cần sớm khắc phục như, kinh tế tăng trưởng khá nhưng sức cạnh tranh chưa cao, chưa thực sự bền vững, quy mô còn nhỏ bé; năng suất lao động còn thấp; thu hút đầu tư còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…

Thủ tướng nêu rõ, Ninh Bình cần chủ động hơn nữa trong phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tiếp tục bứt phá vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…

Theo Thủ tướng, vấn đề lớn đặt ra của Ninh Bình hiện nay là phải dồn sức cho công tác xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, cho đây chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Gắn với đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động một cách quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ. Tính toán rà soát, bổ sung, cập nhập quy hoạch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhằm thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như du lịch, công nghiệp, cơ khí chế tạo…

Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, trong thu hút đầu tư Ninh Bình cần có lựa chọn kỹ lưỡng, không phải thu hút đầu tư theo kiểu tràn lan, lấp đầy, thu hút bằng mọi giá, mà phải lựa chọn các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; cân nhắc tổng thể các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của địa phương. Ninh Bình cần hết sức chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là ở các khu công nghiệp, các khu du lịch…

Bên cạnh phát huy sức mạnh nội lực của địa phương, Chính phủ sẽ hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi để Ninh Bình tiếp tục phát triển, vươn lên - Thủ tướng khẳng định.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với những kiến nghị, đề xuất của Ninh Bình như, đề nghị Chính phủ cho phép Ninh Bình tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch vùng kinh tế ven biển Kim Sơn và được bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020...

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Bùi Văn Nam cho biết, năm 2011, kinh tế của Ninh Bình tiếp tục tăng trưởng khá, nông nghiệp ổn định, công nghiệp tăng trưởng mạnh, các ngành dịch vụ từng bước nâng cao chất lượng, an sinh xã hội được đảm bảo… Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh năm 2011 đạt 16,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm, tương đương mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản lượng lương thực bình quân theo đầu người đạt 525kg/người, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 3 lần so với năm 2010…

Năm 2012, Ninh Bình khẳng định quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng trên 14%, gắn với phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch; tập trung xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục