Ninh Thuận thu hút du khách tham quan các khu du lịch

Trong 3 tháng đầu năm, Ninh Thuận đã thu hút 378.000 lượt du khách, tăng gần 41% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế tăng hơn 19%.

Nhờ tăng cường các phương tiện phục vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, gắn kết các tour du lịch biển với các điểm du lịch sinh thái, văn hóa, làng nghề nên số lượng khách đến tham quan, du lịch tại Ninh Thuận ngày càng tăng.

Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 378.000 lượt du khách, tăng gần 41% so với cùng kỳ; trong đó khách nội địa tăng 42%, khách quốc tế tăng hơn 19%.

Khách du lịch đến Ninh Thuận thời gian này chủ yếu tham quan các khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chử, Vĩnh Hy, Cà Ná, Tháp Pôklông Garai; các làng truyền thống gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp; các vườn nho, táo, tỏi, các điểm dọc theo dải ven biển từ Vĩnh Hy đến Bình Tiên.

Tại các khu vực này, Nhà nước và các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, phục vụ nhu cầu của du khách.

Các khách sạn, resort cao cấp mới như Resort Amanơi, Khách sạn Châu Thành cũng kịp khai trương phục vụ khách lưu trú vào đầu năm 2014... Với bờ biển dài 105km, có nhiều bãi tắm đẹp, môi trường nước biển trong sạch, khí hậu nắng ấm quanh năm nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hình thành các khu du lịch biển gắn với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng hùng vĩ.

Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh thuộc huyện Ninh Phước và Thuận Nam có một số đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh tuy còn đang sơ khai cũng đã thu hút khách tham quan du lịch...

Tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng các làng nghề truyền thống Chăm trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước) là 2 làng nghề truyền thống khá đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm tại Ninh Thuận. Cả hai loại sản phẩm này đều được người dân làm theo phương pháp thủ công truyền thống, sản phẩm làm ra còn lưu giữ gần như nguyên vẹn từng công đoạn của thời xưa.

Đến đây, du khách chứng kiến những đôi bàn tay khéo léo, thuần thục của những người thợ, của các nghệ nhân làm nên những sản phẩm độc đáo, đầy sáng tạo từ màu sắc, tạo hình đến phong cách thể hiện được cách điệu dựa theo những cảnh vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày và một phần là trong tiềm thức tâm linh tôn giáo của đồng bào dân tộc Chăm.

Ninh Thuận được biết đến là một vùng đất đầy nắng và gió, được hình thành như một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, núi đồi và biển cả tạo nên những thắng cảnh tuyệt đẹp như: đèo Ngoạn Mục, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình, vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử; với những bãi cát dài thơ mộng, những tháp Chàm cổ kính, được tô điểm bởi những cụm hoa xương rồng, cùng với những hàng dương cong mình trước gió.

Tỉnh đang tập trung đầu tư khai thác tiềm năng du lịch biển gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; tiếp tục quảng bá với du khách những thế mạnh của quê hương mình, với triển vọng mời gọi các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Hồ Sĩ Sơn cho biết Ninh Thuận tập trung thu hút khách du lịch quốc tế ở thị trường truyền thống của Việt Nam như Nga; châu Âu, chú trọng Pháp, Đức và Anh; Mỹ; thị trường ASEAN; Trung Quốc; thị trường Đông Bắc Á, chú trọng Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường liên kết giữa Ninh Thuận với các vùng miền, địa phương trong cả nước.

Phấn đấu đến năm 2015, Ninh Thuận trở thành trọng điểm quốc gia thuộc tam giác du lịch Nha Trang-Đà Lạt-Phan Rang; đón 1,4 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt khách); tổng doanh thu đạt 55 triệu USD, chiếm tỷ trọng 8% tổng GDP của tỉnh; nhu cầu lưu trú du lịch là 7.600 phòng, tạo việc làm cho khoảng 34.000 lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục