Níu bước chân du khách

Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách

Bộ hành phố đêm dưới ánh sáng lung linh từ hàng trăm chiếc đèn lồng, bạn sẽ thấy phố nào của Hội An cũng dịu dàng và quyến rũ kỳ lạ.
Ai đã từng đến phố cổ Hội An một lần hẳn sẽ mong được trở lại bởi khung cảnh, con người ở đây quá đỗi yên bình. Bộ hành phố đêm dưới ánh sáng lung linh từ hàng trăm chiếc đèn lồng, bạn sẽ thấy con phố nào của Hội An cũng dịu dàng và quyến rũ kỳ lạ. Du khách đến Hội An bị hút hồn bởi sắc màu huyền bí của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có chút gì đó như là sự hoài niệm về một quá khứ vàng son, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Mỗi chiếc đèn lồng mang một vẻ đẹp huyền ảo, nhẹ nhàng và sâu lắng, được treo lơ lửng dưới mái hiên, tỏa ánh sáng ấm áp, thắp lên những nụ cười đôn hậu của người dân phố Hội.
Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách ảnh 1
Hầu như nhà nào ở khu phố cổ cũng treo đèn lồng để thắp sáng và trang trí, đặc biệt là những khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đèn lồng Hội An rất đẹp, nhẹ và đặc biệt có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để du khách dễ mang về làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách ảnh 2
Theo người dân địa phương, người đầu tiên nghiên cứu và thực hiện chiếc đèn lồng truyền thống thành những sản phẩm lạ mắt, độc đáo là nghệ nhân tài hoa Huỳnh Văn Ba. Ông đã thổi hồn vào những chiếc đèn lồng và biến nó thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng có của phố Hội. Đèn lồng Hội An có đủ kích cỡ, chủng loại từ hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi đến những chiếc đèn kéo quân, con rồng, con cá với nhiều sắc màu mê hoặc.
Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách ảnh 3
Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên bởi chúng không chỉ thắp sáng phố phường mà còn khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những ai từng đi trên những “con đường cong một cánh cung đầy” này. Để làm ra một chiếc đèn lồng hoàn hảo, nghệ nhân thường dùng nguyên liệu chính là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung lồng đèn là loại tre già được ngâm kỹ bằng nước muối từ 10-15 ngày để chống mối mọt. Sau đó, tre được phơi khô, chẻ ra và vót mỏng thành từng nan tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào hai vòng gỗ ở hai đầu rồi kết nối bằng các sợi dây dù. Cuối cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng. Vải bọc đèn thường là vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai để khi căng ra không bị rách. Trước tiên vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn sau đó bôi keo rồi dán lên khung đèn. Khi căng vải đòi hỏi người thợ phải khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, người thợ sẽ dùng kéo cắt tỉa, sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ.
Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách ảnh 4
Đêm về, phố cổ Hội An mang một vẻ đẹp hết sức nên thơ. Thả bộ chầm chậm trên những con phố nhỏ uốn lượn mềm mại, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ trầm mặc nhưng lung linh ánh đèn lồng, du khách sẽ ngỡ như mình lạc vào một không gian khác, xa xưa...
Phố cổ và đèn lồng Hội An níu bước chân du khách ảnh 5
Hiện nay, ở Hội An có khoảng 40 cơ sở làm và bán đèn lồng. Đèn lồng Hội An còn được xuất khẩu ra các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… Ở Hội An có hai cơ sở sản xuất lồng đèn lớn là xưởng sản xuất đèn lồng Huỳnh Văn Ba tại 54 Nguyễn Thị Minh Khai và xưởng sản xuất đèn lồng Hà Linh tại 72 Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu. Tại đây, du khách có thể tận mắt xem quy trình sản xuất lồng đèn từ A đến Z, cùng tham gia làm lồng đèn với những người thợ và mua lồng đèn với giá rẻ… Trong Năm du lịch Quốc gia Bắc Trung bộ năm 2012 này, phố cổ Hội An với đặc trưng của đèn lồng sẽ là điểm nhấn để thu hút khách./.
(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục