Nợ công của Campuchia trong phạm vi cho phép, rủi ro vỡ nợ thấp

Nợ công của Campuchia hiện đang tương đương 22,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, vẫn nằm trong phạm vi cho phép và rủi ro vỡ nợ là thấp.
Nợ công của Campuchia trong phạm vi cho phép, rủi ro vỡ nợ thấp ảnh 1Một góc Phnom Penh. (Nguồn: Lighthousecambodia.org)

Theo thông tin về tình hình nợ công do Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia vừa công bố, chính phủ nước này đã ký kết với các đối tác song phương và đa phương các thỏa thuận tín dụng với lãi suất thấp có tổng trị giá 8,3 tỷ USD trong thời gian từ năm 1993 đến 2016.

Cụ thể, đối với các đối tác song phương, Campuchia đã vay 3,6 tỷ USD từ Trung Quốc, 899 triệu USD từ Nhật Bản, 510 triệu USD từ Hàn Quốc, 124 triệu USD từ Pháp, 86,8 triệu USD từ Thái Lan, 75 triệu USD từ Ấn Độ, 44,5 triệu USD từ Việt Nam, và 7,8 triệu USD từ Malaysia.

Còn với các đối tác đa phương, quốc gia Đông Nam Á này đã vay 2 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 794 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), 87 triệu USD từ Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), 70 triệu USD từ Quỹ phát triển quốc tế của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và 10,6 triệu USD Quỹ Phát triển Bắc Âu.

Thông tin trên cho biết nợ công của Campuchia hiện đang tương đương 22,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Dựa theo các thông lệ quốc tế, nợ công của Campuchia vẫn nằm trong phạm vi cho phép và rủi ro vỡ nợ là thấp.

Chính phủ Campuchia đã thực hiện các dịch vụ thanh toán nợ trị giá 885,5 triệu USD, trong đó 497 triệu USD là trả tiền vốn vay gốc, 388,5 triệu USD là trả tiền lãi và các chi phí phát sinh.

Trước đó, WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia trong năm 2017 là 6,9% và năm 2018 là 6,7%. Những con số trên không lạc quan như dự báo trước đó của ADB là nền kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng lần lượt 7,1% và 7% trong năm 2017 và 2018.

ADB cũng dự báo các nước châu Á đang phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay, song cảnh báo nguy cơ dòng vốn rút khỏi khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục