Nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng 13 lần sau 5 năm

Bảo hiểm thất nghiệp ra đời đúng lúc kinh tế khó khăn, kịp thời bù đắp cho người mất việc, nhưng do nợ đọng nhiều nên việc chi trả rất hạn chế.
Hiện nay, tình trạng nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp là khá lớn và ngày càng tăng. Nếu như số nợ bảo hiểm thất nghiệp năm 2009 là 43,1 tỷ đồng thì chỉ riêng trong 8 tháng năm 2013, số nợ này đã lên tới hơn 600 tỷ đồng.

[Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp]

Đây là những số liệu được đưa ra tại buổi tổng kết 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10/10.

Ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết tình trạng nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn lớn và có xu hướng tăng, tuy nhiên, số nợ này có tới 50% là do phần hỗ trợ 1% từ ngân sách nhà nước chưa được chuyển về quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên nhân việc số nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp lên tới 292 tỷ đồng là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ doanh nghiệp kém, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách nên việc hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp còn chậm. Đặc biệt, quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Tinh trạng nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp đã khiến cho nhiều lao động khi mất việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng những quy định pháp luật chặt chẽ, chi tiết hơn về việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp và xử phạt các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Luật Việc làm.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, số người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Vì vậy, sau 5 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được đánh giá là đã kịp thời bù đắp một phần thu nhập cho những người lao động mất việc làm.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và tính đến đầu năm 2013, tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên tới 8,34 triệu người.

Khu vực hành chính sự nghiệp có hơn 1,97 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 24,16% tổng số. Khu vực sản xuất- kinh doanh là hơn 6,13 triệu người chiếm 74,2%. Khu vực khác là 137.054 người chiếm 1,64% số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về thu bảo hiểm thất nghiệp, do số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng theo từng năm nên số thu bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền bảo hiểm thất nghiệp thu được cũng liên tục tăng theo các năm. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, số thu bảo hiểm thất nghiệp là 3.765 tỷ đồng.

Trong số 63 tỉnh thành thì Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai luôn duy trì bốn vị trí dẫn đầu về mức thu bảo hiểm thất nghiệp. Số thu của 4 tỉnh này luôn chiếm khoảng gần 50% tổng thu bảo hiểm thất nghiệp.

Sau 5 năm, đã có hơn 1,37 triệu người lao động mất việc đến đăng ký thất nghiệp và hơn 1,2 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong hơn 8,34 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động khi tham gia đóng bảo hiểm thấp nghiệp còn được hưởng các chính sách như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, những hỗ trợ này vẫn còn nhiều hạn chế cần thay đổi trong cách thực hiện vào thời gian tới để thu hút sự quan tâm của người lao động./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục