Nỗ lực chấm dứt xung đột của Yemen có nguy cơ bị hủy hoại

Giới phân tích nhận định rằng việc lực lượng Houthi quyết định thành lập chính phủ ở thủ đô Sanaa, Yemen có thể hủy hoại các nỗ lực nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia này.
Nỗ lực chấm dứt xung đột của Yemen có nguy cơ bị hủy hoại ảnh 1Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích tại thành phố Hodeida, Yemen ngày 22/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới phân tích nhận định việc lực lượng Houthi quyết định thành lập chính phủ ở thủ đô Sanaa của Yemen có thể hủy hoại các nỗ lực nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Trước đó ngày 2/10 vừa qua, lực lượng nổi dậy Houthi và đồng minh là đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã chỉ định ông Abdulaziz bin Habtoor làm thủ tướng và giao cho nhân vật này nhiệm vụ thành lập "chính phủ bảo vệ đất nước."

Ông Habtoor là cựu Thị trưởng thành phố cảng Aden và là thành viên cấp cao trong GPC. Việc Houthi và lực lượng đồng minh quyết định thành lập chính phủ đối địch tại thủ đô Sanaa trùng với thời điểm Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để tiến hành thảo luận với chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống đương nhiệm Abd Rabbo Mansour Hadi.

Nhà phân tích Fadel Al Rubeir nhấn mạnh quyết định trên cho thấy Houthi đang ngầm phá hoại vòng đàm phán hòa bình tiếp theo.

Chuyên gia Mu’ataz Salameh cho rằng việc Houthi và lực lượng đồng minh chỉ định một nhận vật xuất thân từ miền Nam Yemen là nhằm tấn công tính hợp của chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi.

Sự ra đời của một chính phủ đối lập ở thủ đô Sanaa cho thấy Houthi và các lực lượng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Saleh đang có tham vọng siết chặt quyền lực và tạo sức ép lên các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Washington nhất trí rằng cần phải đạt được một thỏa thuận "tạm ngừng các hoạt động thù địch" trước khi tiến tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề Yemen. Giải pháp này cần phải tiếp nối các bước an ninh và chính trị. Quan chức này cũng cho rằng cần thiết phải có các hành động nhằm rút các lực lượng vũ trang ra khỏi thủ đô Sanaa trước khi một chính phủ mới của Yemen được thành lập.

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Tình hình an ninh đã trở nên bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi và các thành viên chính phủ phải lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.

Sau nhiều tháng lưu vong ở Saudi Arabia, Thủ tướng Yemen Khaled Bahah ngày 16/9 vừa qua trở về thành phố cảng Aden cùng với một số thành viên nội các và các quan chức an ninh cấp cao. Ông Bahah tuyên bố nội các của ông bắt đầu làm việc trở lại tại Aden, đồng thời cam kết tiếp tục khôi phục sự ổn định của Aden và các tỉnh lân cận bị phiến quân Houthi chiếm giữ.

Các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 tháng qua ở Yemen đã kết thúc tại Kuwait hồi tháng Tám vừa qua mà không đạt được kết quả nào, do những bất đồng then chốt giữa các phe phái đối địch tại Yemen.

Liên quan đến tình hình giao tranh, nguồn tin y tế cho biết ngày 3/10, đã có 6 dân thường thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, và 8 người bị thương khi hai quả rocket bị cho là của phiến quân Houthi bắn trúng một khu chợ đông đúc tại thành phố Taez lớn thứ ba của Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục