Nỗ lực cứu sự đa dạng sinh học khỏi suy thoái

VN là nước có đa dạng sinh học được xếp thứ 16 trên thế giới, tuy nhiên, hệ sinh thái rừng nhiệt đới đang bị suy thoái trầm trọng.
Việt Nam là đất nước có đa dạng sinh học cao được xếp thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đang bị suy thoái trầm trọng trong thời gian qua.

Đặc biệt, rừng nguyên sinh, nơi tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam đã và đang bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Sự suy giảm của rừng đã kéo theo suy giảm về thành phần và số lượng các loài động thực vật.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự gia tăng dân số, sự du nhập các giống mới và các sinh vật ngoại lai, ô nhiễm môi trường và khí hậu… đã làm nhiều hệ sinh thái, trong đó rõ rệt nhất là rừng, hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học nhất của Việt Nam bị suy giảm.

Tại cuộc hội thảo chuyên đề "Bảo tồn Đa dạng sinh học rừng: Hiện trạng-Thách thức-Cơ hội-Giải pháp,” diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5, tại Ba Vì, ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong những năm qua, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học như thành lập Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF), nghị định về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, nghị định về chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đến nay Việt Nam đã thiết lập một hệ thống rừng đặc dụng diện tích khoảng 2,2 triệu ha, với trên 160 khu rừng đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng.

Nhờ đó, những khu rừng trên cạn, đất ngập nước và trên biển, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh đã được bảo vệ, hầu hết các loài động thực vật có nguy cơ đe dọa được bảo vệ và phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu bàn đến nhiều vấn đề như tổng quan về hiện trạng, vai trò và thách thức của đa dạng sinh học rừng tại Việt Nam, giới thiệu một số cơ chế tài chính mới đối với bảo tồn đa dạng sinh học rừng như Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) và cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học...

Để biến lời nói thành hành động cụ thể, thiết thực hướng về mục tiêu nâng cao ý thức vào công cuộc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học rừng, ngày 22/5, tại Ba Vì, các nhà tài trợ quốc tế, các đại biểu và người dân tại khu vực vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Ba Vì sẽ cùng nhau trồng cây bản địa.

Ông Juergen Hess, Đồng Chủ tịch của Đối tác Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) cho biết, việc tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này là một trong những sáng kiến của FSSP hưởng ứng năm quốc tế đa dạng sinh học 2010 đồng thời thể hiện cam kết và đóng góp của đối tác tới những nỗ lực của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng về bảo tồn đa dạng sinh học.

Hội thảo do Vụ Bảo tồn (Tổng cục Lâm nghiệp) và Đối tác Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) tổ chức, hưởng ứng năm quốc tế về Đa dạng sinh học 2010 do Liên hợp quốc lựa chọn./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục