Nở rộ việc mua giấy đe dọa giả mạo của Taliban để tới châu Âu

Sở dĩ người tị nạn tìm cách mua những tờ giấy viết tay giả mạo của Taliban như vậy là để họ "chuẩn bị tốt" cho hồ sơ tị nạn của mình với cơ hội được chấp thuận tị nạn ở châu Âu sáng sủa hơn.
Nở rộ việc mua giấy đe dọa giả mạo của Taliban để tới châu Âu ảnh 1Một bản giấy viết tay đe dọa của Taliban. (Nguồn: AFP)

Theo báo chí Đức ngày 23/11, việc mua bán những tờ giấy đe dọa giả mạo của Taliban đang nở rộ tại Afghanistan. Người tị nạn phải bỏ ra khoảng 1.000 euro cho một giấy đe dọa thuyết phục như vậy với hy vọng được chấp thuận tị nạn tại châu Âu.

Sở dĩ người tị nạn tìm cách mua những tờ giấy viết tay giả mạo của Taliban như vậy là để họ "chuẩn bị tốt" cho hồ sơ tị nạn của mình với cơ hội được chấp thuận tị nạn ở châu Âu sáng sủa hơn.

Một người đàn ông 35 tuổi, từng bán những tờ giấy như vậy nói: „Về những bức thư đe dọa mà người Afghanistan nộp cho giới chức châu Âu, chỉ có 1% là thật còn 99% là giả mạo."

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Taliban cũng đã lên tiếng bác bỏ việc lực lượng này đã gửi đi những bức thư đe dọa như vậy. Người này nói: "Chúng tôi không gửi thư đe dọa, đó không phải kiểu của chúng tôi."

Một phát ngôn viên Cục Di trú và Người tị nạn liên bang Đức (BAMF) đã xác nhận về sự tồn tại của những lá thư trên, song không rõ có bao nhiêu bức thư như vậy. Thực tế là những lá thư này chỉ là một trong rất nhiều yếu tố khác để một người tị nạn được xét ở lại châu Âu.

Không như người Afghanistan, người tị nạn tới Đức từ Syria có cơ hội ở lại nước này chắc chắn hơn (95% số người Syria được chấp thuận tị nạn trong năm 2014). Và đây cũng là lý do khiến việc làm giả, cò mồi hộ chiếu Syria mọc nên như nấm.

Riêng trong nửa đầu năm 2015, Cơ quan Biên phòng châu Âu Frontex đã phát hiện khoảng 170 cuốn hộ chiếu Syria giả. Theo Frontex, có trên 80% số người tị nạn vào châu Âu là người Syria, trong đó đa phần họ là công dân Syria thực thụ, song cũng có người quốc tịch khác (như Iraq hay Palestines) đã sử dụng hộ chiếu Syria giả để mong được tị nạn ở châu Âu.

Frontex cũng cho rằng đôi khi chính người Syria phải sử dụng hộ chiếu giả do họ phải chạy lánh nạn và nhiều người chưa bao giờ được sở hữu một cuốn hộ chiếu.

Tuy nhiên, giới chức Đức vẫn có thể xác định được người gốc Syria hay không thông qua việc nhận biết ngôn ngữ hoặc tiếng địa phương. Được biết, thị trường đen làm giả hộ chiếu hoạt động rất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chỉ cần 750 euro với chưa đầy 2 ngày đã có một cuốn hộ chiếu Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục