Nổ súng tại thủ đô của Liban, khiến nhiều người thương vong

Theo các nguồn tin quân sự, tiếng súng được nghe thấy ở khu phố Ain el-Remmaneh của người Cơ đốc giáo khi những người biểu tình đi qua một vòng xuyến giao thông để tiến đến Cung điện Công lý ở gần đó.
Nổ súng tại thủ đô của Liban, khiến nhiều người thương vong ảnh 1Lực lượng an ninh được tăng cường sau vụ nổ súng. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 14/10, đấu súng đã xảy ra tại thủ đô Beirut của Liban, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 12 người bị thương.

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh những người ủng hộ và đồng minh của phong trào Hồi giáo Hezbollah đã tập hợp lại để phản đối Thẩm phán Tarek Bitar - người đang điều tra vụ nổ cảng Beirut năm 2020.

Theo các nguồn tin quân sự, tiếng súng được nghe thấy ở khu phố Ain el-Remmaneh của người Cơ đốc giáo khi những người biểu tình đi qua một vòng xuyến giao thông để tiến đến Cung điện Công lý ở gần đó. Điều này đã châm ngòi cho một cuộc đấu súng sau đó.

Địa điểm xảy ra đấu súng là khu vực giáp ranh giữa các khu dân cư của người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Shi'ite tại Beirut.

Địa điểm này cũng từng xảy ra giao tranh trong cuộc nội chiến Liban, bắt đầu ở Ain el-Remmaneh năm 1975.

Các nhân chứng đã nghe thấy ít nhất 2 tiếng nổ khi quân đội Liban được triển khai tới hiện trường. Trong khi đó, các phong trào Hezbollah và Amal cho biết nhiều tay súng núp trên mái nhà đã tấn công người biểu tình ở khu vực Tayounah. Truyền hình Liban đã phát hình ảnh những người đàn ông mang súng trường và vũ khí hạng nặng.

[Liban rơi vào khủng hoảng chính trị liên quan điều tra vụ nổ ở Beirut]

Quân đội Liban đã được thông báo về "nhiều tiếng súng nổ ở khu vực Tayouneh-Badaro." Tuyên bố của quân đội Liban nêu rõ: "Quân đội đang gấp rút triển khai tại khu vực này, tiến hành các cuộc tuần tra để tìm kiếm và giam giữ các đối tượng nã súng."

Quân đội Liban cũng cảnh báo sẽ nổ súng vào bất cứ đối tượng nào bắn đạn thật, đồng thời kêu gọi thường dân sơ tán khỏi khu vực này.

Trong khi đó, Thủ tướng Liban Najib Mikati kêu gọi các bên liên quan lấy lại bình tĩnh và kiềm chế mọi hành động có thể dẫn tới đổ máu. Ông đồng thời cảnh báo sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực lôi kéo Liban vào vòng xoáy bạo lực.

Căng thẳng tại Liban gia tăng trong bối cảnh Thẩm phán Bitar đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch chính trị do các phong trào Hezbollah và Amal thuộc dòng Hồi giáo Shiite lãnh đạo.

Thủ lĩnh phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah trong tuần này đã cáo buộc thẩm phán Bitar có hành vi "thiên vị chính trị."

Trong khi đó, ông Ali Hasan Khalil, nhà lập pháp cấp cao thuộc phong trào Amal đồng thời là một cựu bộ trưởng, đã đe dọa "leo thang chính trị" nếu quá trình điều tra "không được điều chỉnh."

Phiên họp nội các Liban ngày 12/10 đã khép lại bằng một cuộc tranh cãi gay gắt khi các bộ trưởng thân với phong trào Hezbollah và Amal đã ép buộc chính phủ ủng hộ yêu cầu của họ nhằm thay thế thẩm phán Bitar.

Phiên họp tiếp theo vào ngày 13/10 đã bị hoãn lại, cho thấy các phe phái trong nội các Liban không đạt được thỏa thuận nào, với việc một số bộ trưởng cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào các vấn đề tư pháp.

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra ngày 4/8/2020 đã tàn phá cảng Beirut và một khu vực lớn ở trung tâm thủ đô Liban. Đây là một trong những vụ nổ không liên quan tới hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, khiến ít nhất 218 người thiệt mạng và hơn 7.000 người bị thương.

Thảm họa xuất phát từ một kho lưu trữ 2.750 tấn amonium nitrate đã tồn tại từ lâu và được bảo quản rất kém tại cảng Beirut. Vụ nổ đã khiến cả thành phố rung chuyển và phá hủy nhiều tuyến phố di sản tại đây. Ước tính thiệt hại của vụ nổ này lên tới 15 tỷ USD.

Kể từ khi tiếp nhận nhiệm vụ điều tra về vụ nổ này, Thẩm phán Bitar đã triệu tập một loạt cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng cũng như các quan chức quân đội và an ninh hàng đầu để thẩm vấn do nghi ngờ có sự bất cẩn dẫn tới sự cố.

Ông Tarek Bitar cũng đã ra quyết định bắt giữ nhiều nhân vật cấp cao, do họ nhiều lần không có mặt trong buổi thẩm vấn, trong đó bao gồm cả ông Ali Hasan Khalil.

Các nhà lãnh đạo chính trị của Liban, bao gồm một số cựu thủ tướng, đã chỉ trích ông Bitar vì đã cố tình điều tra các quan chức cấp cao - những nhân vật chỉ có thể bị xét xử bởi một tòa án đặc biệt.

Thẩm phán Tarek Bitar đã bị buộc phải đình chỉ cuộc điều tra của ông vào ngày 12/10, sau khi các cựu bộ trưởng mà ông từng triệu tập để thẩm vấn phục vụ công tác điều tra đã đệ đơn kiện ông.

Tuy nhiên, trong sáng 14/10, một tòa án Liban đã bác bỏ các khiếu nại pháp lý nhằm vào ông Bitar, theo đó cho phép vị thẩm phán này tiếp tục điều tra về vụ nổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục